- Từ câu chuyện được chia sẻ trên mạng về một nữ sinh sau khi thử giày nhưng không mua ở một gian hàng tại chợ Xanh (Hà Nội) bị ép mua và hành hung,ênthinhaukểchuyệnbịéphànhhungvìkhôngmuađồchợđoàn văn hậu nhiều sinh viên như thấy chính mình ít nhiều trong đó.
Chợ Xanh vốn là một khu chợ được giới trẻ truyền tai nhau như một “thiên đường” mua sắm, thời trang giá rẻ cho sinh viên ở Hà Nội. Sinh viên trường ghé vào đây bởi không chỉ nằm cạnh rất nhiều trường đại học lớn của Hà Nội mà còn là nơi cung cấp khá đầy đủ những thứ để phục vụ cho đời sống giới trẻ, từ quần áo, giày dép cho đến túi xách, phụ kiện…
Câu chuyện chưa rõ thực hư đến đâu nhưng đã khiến nhiều người bức xúc với cách hành xử của người bán hàng tại chợ Xanh và ngay lập tức được chia sẻ với không ít nạn nhân của việc đi thử và mua đồ tại đây.
Thậm chí, nhiều sinh viên còn khẳng định bản thân đã gặp phải tình cảnh tương tự và cũng kể từ đó không dám quay lại đây lần thứ 2 bởi cảm giác bất an.
Nhiều sinh viên chia sẻ không ít lần gặp thái độ thiếu văn hóa của người bán khi không mua đồ sau khi thử ở chợ sinh viên. Ảnh minh họa. Nguồn: internet. |
Lê Mai, sinh viên ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Sinh viên vì không có nhiều tiền để vào shop giá đắt nên thường tụm về chợ Xanh và các chợ sinh viên khác. Nhưng mấy lần nhìn thái độ người bán sau khi không mua hàng rất khó chịu thậm chí là chửi bới mình đi mua đồ cũng luôn trong trạng thái bất an, dè dặt, thậm chí đến một số gian hàng không dám thử nữa.
Hải Đăng, sinh viên Trường ĐH Mỏ-Địa chất kể: “Có lần mình vào chợ sinh viên với đứa bạn, qua quầy quần áo thấy đẹp lấy thử xem nghĩ thoải mái như đi chợ ở quê. Xong hỏi giá hơn 500 nghìn đồng, mình kêu đắt không mua nữa thì người bán trợn mắt, định bước đi thì bị họ kéo lại rồi định đánh mình. Lúc sau phải mua cho quầy đó cái quần 80 nghìn họ mới cho mình đi, mua xong còn chửi mình luôn. Rút kinh nghiệm là đừng nên thử nếu không ý định mua lắm”.
Bạn Thanh Lâm chia sẻ: “Đứa em mình đi mua giày ở chợ Xanh kì kèo giá, ban đầu họ định không bán nhưng có lẽ vì tiếc khách thế là về sau lại bán cho nhưng bán xong thì ăn ngay một cú đá vào mông cùng câu: Biến!”
Bạn Lê Hằng (Thanh Hóa) bức xúc: “Mình cũng gặp tình huống tương tự đến 2 lần rồi. Có lần mình cũng liều mạng nói lý lại, may mà mọi người xung quanh chú ý nhiều quá bà chủ gian hàng sợ không bán được hàng nên mới chịu buông tay mình ra. Sau lần đó không bao giờ mình quay lại nữa luôn”.
Bạn Hoàng Phương, sinh viên Học viện Tài chính kể: “Có lần mình vào thử cái áo xem mặc lên có hợp, chị bán hàng cứ khen lấy khen để là hợp lắm trong khi áo đấy mình mặc hơi rộng. Mình bảo là em không thích và đi thì nhận được ngay cái bĩu môi: “Không thích thì mặc thử làm gì”. Mình nghĩ phải mặc thử nên người xem có hợp hay không thì mới biết như thế nào, nhưng bán hàng thì như thế đấy, không mua là họ nói, họ chửi”.
Bạn Lê Huyền (quê Nghệ An) đồng quan điểm : “Mình cũng gặp rồi, hỏi xong không mua họ chửi hoặc bị ép giá để mua, thậm chí không mua bước ra quầy còn bị thì đốt vía. Đâu phải lúc nào muốn mua món đồ gì đó khi thử xong đều ưng ý cả đâu. Buôn bán như thế thì khách ai còn dám quay lại nữa”.
Trần Mạnh, cựu sinh viên ĐHQG Hà Nội, rất hay mua đồ ở chợ Xanh và chợ sinh viên cách đó không xa mở vào buổi tối chia sẻ bản thân rất bức xúc khi chứng kiến nhiều cảnh sinh viên bị bắt nạt, thậm chí em cũng cũng từng là nạn nhân.
“Không chỉ chợ Xanh mà chợ sinh viên cách đó không xa thường mở vào buổi tối cũng không kém. Hôm nọ mình vừa hỏi giá một cái áo xong, không đủ tiền đành đi mà họ lôi mình quay lại ép lấy bằng được. Lúc đó, mình biết nếu cứ đi thì không ổn nên đành cắn răng mua một áo khác trong gian hàng đó. Vừa rồi đi mua đôi giày thì nhìn thấy một bạn nam bị chủ hàng bán ba lô, túi xách chử té tát.
Mạnh cho biết vì đi chợ sinh viên nhiều nên em không lạ gì những người bán hàng ở đây và rút ra kinh nghiệm là không bao giờ hỏi giá nếu chỉ có ý xem. “Hoặc thật ưng thì hãy hỏi giá, nếu hỏi giá ngay, kiểu gì họ cũng ép mua. Bởi họ cho rằng đầu giò hỏi giá mà không mua thì mất lộc buôn bán trong ngày đó. Các sinh viên mới lên Hà Nội mà đi mấy chợ này thì tốt nhất là chọn những gian có những bạn sinh viên bán thuê, hoặc có ghi giá sẵn đê tránh tai họa”, Mạnh chia sẻ.
Ngoài việc nếu không mua có thể bị đe dọa, hành hung, nhiều sinh viên còn cho hay nhiều trường hợp mặc dù chỉ xác định vào xem thôi chứ không có ý định mua cũng bị ép.
Bạn Mạnh Cường, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp có góc nhìn khác: “Đánh khách hàng là sai rồi nhưng nói đi cũng phải nói lại. Các bạn sinh viên đi mua hàng cũng nên lưu ý để tốt cho cả bản thân và mọi người. Mình nghĩ là nếu đã xác định không mua thì không nên thử. Bởi cứ thử đặt bản thân vào người bán hàng sẽ thấy rất là mất thời gian với những người thử đồ nhiều cuối cùng không mua gì. Chưa kể, việc thử có thể làm bẩn hay giãn quần áo thì đến người sau thử quần áo sẽ không còn mới. Những áo các bạn đã thử và không lấy rất có thể sẽ trở thành hàng thanh lý”.
Qua đó, nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn ban quản lý các chợ sinh viên nhắc nhở, chấn chỉnh lại văn hoá của các gian hàng. Có như vậy, sinh viên mới có thể đi mua sắm trong trạng thái thoải mái, cởi bỏ tâm lý bất an.
Thanh Hùng