ĐBQH: Hàng triệu người hút thuốc có quyền tiếp cận sản phẩm ít tác hại hơn
ĐBQH: Hàng triệu người hút thuốc có quyền tiếp cận sản phẩm ít tác hại hơn
Trường Thịnh(Dân trí) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vấn đề quản lý thuốc lá mới (TLM) bao gồm thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) được thảo luận sôi nổi, trong đó nổi bật là vấn đề quyền của người hút thuốc.
Nhiều ý kiến thảo luận về quản lý thuốc lá mới
Tại phiên chất vấn, câu hỏi của ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho thấy những vấn đề khó giải quyết cho các cơ quan quản lý nếu đặt lệnh cấm đối với thuốc lá mới.
Cụ thể, ông Hạ đặt vấn đề về cấm kinh doanh hay cấm sử dụng: "Nếu một người hút thuốc lá nung nóng, thì xử phạt thế nào? Hình sự hay là hành chính?". Cũng theo ông Hạ, nếu cấm sử dụng đối với các sản phẩm TLM được xác định là thuốc lá, thì sẽ liên quan đến quyền con người nên không thể dùng nghị quyết mà phải nâng lên thành luật.
Trước đó, tại phiên giải trình ngày 4/5 về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các ĐBQH khác cũng đã đặt ra những câu hỏi tương tự. Cụ thể, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà - Phó ban Công tác dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng, Bộ Y tế cần làm rõ nguyên nhân có các ứng xử khác giữa TLNN và TLĐT so với thuốc lá truyền thống dựa trên các bằng chứng khoa học.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chất vấn: "Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã nghiên cứu toàn diện các hoạt chất có trong các sản phẩm này chưa, có loại nào thuộc danh mục cấm hay có điều kiện? Để cấm hay quản lý cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ".
Trong tọa đàm "Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá" diễn ra vào tháng 8, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu: "Hiện người tiêu dùng không biết nguồn gốc của sản phẩm, chưa có sự đảm bảo an toàn về sức khỏe từ các cơ quan quản lý".
Tại một sự kiện khác vào tháng 9, bà Liên tiếp tục nhấn mạnh: "Đối với TLNN, tác hại của nó ở mức độ có thể kiểm soát. Người tiêu dùng cần đủ thông tin và điều kiện để tự cân nhắc lựa chọn và quyết định sử dụng ở mức độ nào".
Hiện tại, còn nhiều quan điểm trái chiều liên quan chính sách quản lý TLNN, TLĐT từ các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
Những nghiên cứu về thuốc lá mới
Cho đến nay, khoa học về TLĐT, TLNN vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Đề cập đến tính gây hại của TLM so với thuốc lá điếu, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) đưa ra khái niệm "Mức độ rủi ro tương quan của các sản phẩm thuốc lá".
FDA khẳng định, không có thuốc lá nào là an toàn. Nhưng đứng ở góc độ khoa học, chuỗi nguy cơ của các sản phẩm thuốc lá lên sức khỏe là khác nhau. Theo đó, những sản phẩm thuốc lá đốt cháy như thuốc lá điếu là nguy hại nhất lên sức khỏe. Trong khi đó, những sản phẩm thuốc lá không đốt cháy nhìn chung thường có mức độ rủi ro đối với sức khỏe thấp hơn so với thuốc lá điếu hay các sản phẩm thuốc lá đốt cháy khác.
Công bố FDA cũng đồng thời cho thấy khả năng giảm tác hại của TLM, mặc dù cơ quan này luôn khuyến cáo việc cai thuốc hoàn toàn luôn là biện pháp ưu tiên.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 184/195 quốc gia thành viên của WHO không cấm TLNN. WHO cũng công bố mức thuế suất của TLNN là thấp hơn thuốc lá điếu tại hầu hết các nước.
TLNN và các thuốc lá mới với tiềm năng giảm tác hại được cho là những sản phẩm thay thế cho thuốc lá điếu. Vấn đề còn lại là cách mà chính phủ các nước sẽ kiểm soát như thế nào để ngăn chặn các mặt trái của sản phẩm do việc biến tướng sai mục đích (như làm vỏ bọc chứa chất cấm), sai đối tượng (như tiếp cận giới trẻ, người không hút thuốc).
Cũng trong báo cáo của WHO, 184 nước không cấm TLLN có các biện pháp "cấm bằng cách quản lý" một cách mềm dẻo nhằm tăng cường ngăn chặn giới trẻ. Trong đó, 3 nước cấm toàn bộ các loại hương vị khác mùi thuốc lá, 11 nước giới hạn hương vị được phép, 57 nước hạn chế khu vực được phép sử dụng, 46 nước yêu cầu dán nhãn cảnh báo cho điếu TLNN đặc chế (heat sticks), 67 nước áp dụng biện pháp tương tự như thuốc lá điếu trong việc quảng cáo, xúc tiến thương mại, tài trợ.
Nếu xét trên góc độ khoa học, công bố của FDA cho thấy TLNN và các sản phẩm TLM khác có tiềm năng giảm hại cần được các cơ quan trong nước xem xét, đánh giá. Xét trên phương diện quản lý, không khó để thấy phương án kiểm soát có thể tham khảo cách "cấm bằng quản lý" như hầu hết các quốc gia đi trước. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý sớm đưa ra hướng quản lý phù hợp để lĩnh vực này nhanh chóng chịu sự kiểm soát toàn diện của Chính phủ.
Trong nước, tại kết luận phiên họp Quốc hội ngày 12/11, Bộ Y tế được yêu cầu cần phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đưa ra giải pháp quản lý phù hợp.