Thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong phiên trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 4/11,ảiquyếtcơbảntìnhtrạngbáohoátrangtinmạngxãhộphilippines vs về các nhóm vấn đề trong lĩnh vực TT&TT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022, Bộ TT&TT thực hiện một giải pháp hiệu quả đó là công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát, thay vì chỉ mình Bộ TT&TT thực hiện. Trong số 650 tạp chí, Bộ TT&TT phát hiện và xử lý 30 tạp chí có dấu hiệu "báo hoá". Còn trong gần 2.000 trang thông tin điện tử đã được cấp phép có gần 30 trang tin có dấu hiệu này. Đây là con số không lớn.
“Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan, đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này. Chúng tôi có một niềm tin vào năm 2023 thì vấn đề báo hóa trang tin, tạp chí sẽ được giải quyết căn cơ”, Bộ trưởng nói.
Đối với chất vấn của Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) về việc vì sao lại xảy ra tình trạng mạng xã hội báo hóa; sự chậm trễ, lúng túng khi xử lý vụ vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên lĩnh vực mạng xã hội và trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân liên quan? Người đứng đầu ngành TT&TT thừa nhận, công tác xử lý những vấn đề nói trên trong thực tiễn còn chậm so với mong muốn. Ông cũng nhận trách nhiệm chính cho việc này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lý giải, có nhiều vấn đề chỉ phát sinh khi đi vào cuộc sống và lúc đó phải tìm cách ứng xử. Đến năm 2022, Bộ TT&TT mới ban hành và công khai bộ nhận dạng thế nào là báo hóa tạp chí bởi lúc đấy mới nhìn thấy, mới thấy tường minh, mới công bố và bắt đầu bắt tay vào xử lý.
“Tôi xin nhận trách nhiệm này. Mong các đại biểu thông cảm cho chuyện là cuộc sống diễn biến và chúng ta, khi quản lý nhà nước cũng phải tường minh, chín rồi, rõ rồi, đồng thuận rồi mới đưa vào luật, còn những gì mà mình chưa rõ thì lại thí điểm, lại xem xét, cân nhắc. Quản lý nhà nước phải chắc tay mới làm được, nếu chưa chắc tay là rất khó làm. Chẳng hạn vụ việc Nguyễn Phương Hằng livestream, lúc đó còn mới, tất cả các thể chế của chúng ta chưa có quy định về việc này, chúng ta phải dùng những hình thức khác để xử lý, phạt hành chính, sau đó chuyển cơ quan. Bây giờ chúng ta đưa vào nghị định thì chắc chắn xử lý rất gọn gàng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã sửa đổi Nghị định 72 và trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, quy định rõ chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream và phải công bố, cung cấp thời gian. Nếu dùng livestream để bán hàng, có thu thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước được cấp phép; có 10 mạng xã hội có trên 1 triệu tài khoản đăng ký hoạt động và có 27 mạng xã hội có lượt người truy cập (page view)/tháng từ 1 triệu lượt trở lên.
Gần đây, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để hạn chế điều này, ngay từ năm 2019, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT triển khai nhiều biện pháp cấp bách, siết chặt khâu cấp phép, tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Bộ TT&TT đã tổ chức định kỳ 6 tháng/lần giao ban với các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội, tập trung mời các trang tin điện tử và mạng xã hội có dấu hiệu báo hóa tham gia.
Bộ cũng thiết lập hệ thống kết nối trực tuyến qua ứng dụng với các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo, chấn chỉnh, nêu rõ xu hướng và biểu hiện “báo hóa”. Cùng với đó là việc công bố kết quả xử lý những trường hợp “báo hóa” trang tin và mạng xã hội để răn đe, cảnh báo.
Duy Vũ