Trong quyết định này, môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức được Bộ GD-ĐT xác định là ngoại ngữ 1.Tuy nhiên, trong phần 'Đặc điểm môn học' viết: "Môn Tiếng Hàn - Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12".
|
Quyết định của Bộ GD-ĐT từ ngày 9/2 |
|
Phần Đặc điểm môn học nêu rõ đây là môn học 'bắt buộc'. Liệu có sự nhầm lẫn? |
Liệu có sự nhầm lẫn khi xác định đây là môn học 'bắt buộc'? Xem giải thích của đại diện Bộ GD-ĐT TẠI ĐÂY.
Sáng nay (4/3), trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, đây là quyết định về việc thí điểm Tiếng Hàn trở thành một trong những Ngoại ngữ 1. Còn chương trình Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 thì đã được Bộ GD-ĐT ban hành trước đây.
Với từ “bắt buộc”, ông Thành cho hay không có nghĩa Tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để bổ ngữ giải nghĩa cho cụm “Ngoại ngữ 1”.
Tức Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, học sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng được xác định là Ngoại ngữ 1.
“Như vậy, học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào trong các môn thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cứng nhắc bắt buộc phải học môn Tiếng Hàn”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục chia sẻ, có 3 khái niệm liên quan đến thuật ngữ môn học. Đó là: compulsory subjects (môn học bắt buộc), selective subjects (môn bắt buộc có lựa chọn), elective/optional subjects (môn tự chọn, học cũng được, không học cũng chẳng sao).
Môn 'bắt buộc có lựa chọn' là có nhiều sự lựa chọn nhưng bắt buộc phải chọn 1 để học.
Vì vậy, nếu văn bản ghi rõ là 'môn học bắt buộc có lựa chọn' thì sẽ chuẩn xác hơn.
Mục tiêu: Đạt bậc 3 sau khi hết THPT
Bên cạnh việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn, theo Bộ GD-ĐT, môn học này còn trang bị kiến thức và kỹ năng học tập ngoại ngữ nói chung; giúp học sinh có thể vận dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả trong giao tiếp, học tập, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Nội dung cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Cụ thể, học sinh kết thúc lớp 6 đạt Bậc 1, kết thúc cấp THCS (lớp 9) đạt Bậc 2 và kết thúc cấp THPT (lớp 12) đạt Bậc 3.
Tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá.
|
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Về nội dung, ở cấp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5), việc dạy học Tiếng Hàn giúp cho học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cơ bản thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó chú trọng nhiều hơn đến 2 kỹ năng nghe và nói.
Ở cấp THCS, việc dạy học Tiếng Hàn tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, xã hội Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội dân tộc mình.
Ở cấp THPT, giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp dựa trên nền tảng chương trình đã được học ở các cấp dưới, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
Mục tiêu chung của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn là kết thúc chương trình phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Giúp học sinh có được hiểu biết khái quát về đất nước, con người và văn hóa Hàn Quốc cũng như các quốc gia và các nền văn hóa khác có liên quan. Qua đó hình thành ở học sinh những thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với ngôn ngữ, văn hóa và con người của các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, góp phần hình thành và phát triển ở học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết mang tính hướng nghiệp như: ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Thanh Hùng
Vì sao Bộ GD-ĐT thí điểm Tiếng Hàn, Tiếng Đức là Ngoại ngữ 1?
Bộ GD-ĐT vừa lý giải về việc thí điểm môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức là Ngoại ngữ 1 trong chương trình phổ thông.
">