Không ít bác sĩ thẩm mỹ bị khách hàng dùng chiêu tống tiền dù ca phẫu thuật chẳng xảy ra tai biến hay sự cố kỹ thuật gì.Chuyện bác sĩ (BS) thẩm mỹ dùng nhiều chiêu sửa dung nhan đổi tướng số để vét túi chị em xưa nay không phải là hiếm. Nhưng nhiều vụ BS thẩm mỹ bị khách hàng làm tiền diễn ra rất âm thầm. Khi BS không đáp ứng thì dọa đưa ra báo chí hạ uy tín, kiện ra tòa đòi lại tiền. Đã có nhiều BS thẩm mỹ chọn giải pháp trả tiền xem như năm xui tháng rủi, “thí cô hồn” cho xong để yên ổn làm ăn.
Làm miễn phí lại gặp nạn
Một nữ khách hàng giả danh là PV ở một nhà đài lớn (nhà đài có thông báo phủ nhận có nhân vật này - PV), 7-8 năm trước từng bơm silicon vào ngực để tự tin hơn nhưng hiện bị đau nhức quá đỗi. Chị này đi nhiều bệnh viện (BV) nhưng bị từ chối lấy ra vì sợ tai biến. Nhờ giới thiệu là PV nên qua nhiều mối quan hệ, chị này được giới thiệu đến phòng khám thẩm mỹ MC. Vì nể tình, BS M. bèn phẫu thuật lấy silicon đang vón cục cho chị này. Không những thế, vị BS còn hào phóng đặt túi ngực cho chị ta đẹp hơn hoàn toàn miễn phí.
Vậy mà vừa làm xong, chị khách hàng trở mặt 180 độ, vác đơn khiếu nại lên sở y tế vì cho rằng mình còn đau nhức, đồng thời yêu cầu BS phải… đền bù. Dù chẳng làm gì sai nhưng vì sợ báo chí đưa tin mất uy tín, cuối cùng BS M. phải ngậm ngùi móc hầu bao cả trăm triệu đồng để mua sự im lặng.
Lại có vị nữ khách hàng khoảng 40 tuổi đi nâng ngực ở BS H. Sau khi có đôi gò bồng đảo bồng bềnh mà ngủ mơ chị cũng không dám nghĩ, vị khách hàng thay đổi thái độ, nói không đẹp và… thuê hẳn luật sư để kiện bác sĩ H.. “Nếu đòi 100 triệu đồng thì tôi trả cho rồi, chứ 300 triệu đồng sao trả nổi, trong khi đặt túi ngực có 5-7 chục triệu đồng” - BS H. ngậm đắng nói.
Một nữ khách hàng vào một BV thẩm mỹ có tiếng ở TP.HCM để nâng mũi. Sau khi BS chụp hình, vẽ 3D lỗ mũi, chị này gật đầu lia lịa vì nhìn cái mũi 3D sọc dừa nó quá lý tưởng so với cái mũi tẹt khó coi đang hiển hiện trên khuôn mặt của chị hiện thời. “Làm xong, khách hàng nói thấp quá. Tôi nói sẽ làm lại cho chị vừa ý. Chị nói: “Thôi thôi, tôi không chịu, tôi sợ mổ lắm rồi. BS phải trả tiền lại”! Tôi bảo nếu trả tiền lại thì tôi lấy cây silicon ra. Chị ta ngồi dưới sảnh lễ tân la làng” - BS N. của BV thẩm mỹ trên kể lại.
|
Một ca nâng mũi. Ảnh: PLO |
Dùng thân thể đi thẩm mỹ làm tiền
Một BS thẩm mỹ đầu ngành kể lại, tại Hà Nội có những bệnh nhân không nghề nghiệp, chuyên tìm đến các BS thẩm mỹ đông bệnh nhân với mục đích làm tiền. Các loại phẫu thuật thẩm mỹ hay được chọn nhất như mi mắt, mũi, đôi khi nâng ngực, thậm chí hút mỡ một vùng nào đó trên cơ thể. Những người này thường chấp nhận dễ dàng giá cả mà BS đề nghị, ít khi đòi giảm giá.
Sau phẫu thuật, y như rằng những đối tượng này đến phàn nàn về những điểm mà họ không ưng ý. Thông thường lấy lý do bị bạn trai, chồng con, những người xung quanh chê là không đẹp. Nếu BS không thừa nhận, họ dùng áp lực của bạn bè, thậm chí cả chồng hay người thân gây gổ buộc BS phải chấp nhận sự không hoàn chỉnh mà họ nghĩ ra. Thậm chí có thể dùng áp lực xã hội như kể cho báo chí với mục đích BS phải trả lại tiền!
“Có người đòi lại số tiền nhiều hơn với lý do đền bù khủng hoảng gia đình hay các lý do tinh thần. Có người lấy lý do đòi tiền để đi BS khác làm, thực ra họ sử dụng số tiền đó vào mục đích khác. Cũng với cách này, họ đến BS khác và bài vở cũng sẽ diễn ra như cũ” - vị BS này nói.
Đừng có tham để khỏi phải thâm
BS Nguyễn Phan Tú Dung, BV Thẩm mỹ JW, cho rằng trong bất kỳ phẫu thuật nào cũng có biến chứng ngoài mong muốn như nhiễm trùng, nghiêng, vẹo… Khi xảy ra rủi ro thì tất nhiên phải bảo hành, khắc phục chỉnh sửa… Tuy nhiên, có những người làm xong không có biến chứng nào cả, họ đến và chỉ nói: Tôi thấy không đẹp, không tự nhiên!
“Cách đây không lâu, một khách hàng tên H. ở Đà Nẵng vào nâng mũi. Mới một tuần chị nói thấy hơi cao. Tôi giải thích là phải mất 3-6 tháng mũi mới ổn định và gọn lại. Sau một tháng chị quay lại nói “mũi chưa đẹp, chưa như ý muốn! BS phải có cách nào hỗ trợ em”. Sau đó bệnh nhân viết đơn kiện qua Sở Y tế, Hội Thẩm mỹ TP. Tôi không sai nên không hỗ trợ gì cả vì lỗ mũi chị ấy không vấn đề gì mà vẫn đẹp. Nếu chị thấy cao thì BV sẽ sửa thấp hơn chứ không biến chứng mà nói chưa hài lòng là kiện, đâu phải cái nào cũng kiện được!” - BS Tú Dung nói.
BS thẩm mỹ Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc BV Thẩm mỹ Thanh Vân, cho rằng BS thẩm mỹ phải có cái tâm, không bao giờ được dụ khách hàng. Thứ hai, khách hàng làm nhưng BS phải xem là làm có đẹp không, thấy không đẹp thì không làm vì như thế vừa tốn tiền khách hàng vừa làm họ xấu đi. Thứ ba là tư vấn rõ ràng những biến chứng gặp phải, biến chứng nào xử lý được, biến chứng nào không.
Thí dụ nếu bệnh nhân muốn đặt ngực thì BS phải hỏi vì sao muốn. Nếu khách hàng trả lời ông xã có bồ nhí, muốn đặt ngực để giữ chồng thì điều đó quá vô lý vì đặt vừa tốn tiền (nhiều khi phải đi mượn), về chồng nói không thích xài đồ giả và đi luôn. Có người nói làm ăn không có tiền, thầy bói nói lỗ mũi bị ra tiền, làm bao nhiêu chảy hết nên phải đi sửa mũi. Việc này cũng khó xử lý.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã tiếp nhận nhiều đơn kiện tụng, khiếu nại liên quan đến thẩm mỹ. Đây là lĩnh vực cung ứng dịch vụ thuận mua vừa bán. Cái đẹp thuộc vào mỹ thuật, thẩm mỹ. Về mặt y tế chỉ xem xét xử lý việc cung cấp dịch vụ có phép hay không, quy trình có đạt tiểu chuẩn hay không chứ không phải đẹp xấu. Nếu khách hàng không hài lòng về đẹp xấu thì kiện ra tòa giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn khách hàng và BS thẩm mỹ giải quyết âm thầm với nhau. Nhiều khách hàng đi kiện nhưng lãnh mớ tiền xong thì rút đơn. TS-BS BÙI MINH TRẠNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM |
(Theo PLO)
5 cách phòng gan nhiễm mỡ đơn giản không ngờ">