|
Bay qua Hồ Gươm là tập thơ thiếu nhi tạo chú ý khi ra mắt vào tháng 10 này. Các nhân vật trong cuốn sách đều được tác giả lấy cảm hứng từ cuộc sống xung quanh như em bé mới chào đời, người nghệ nhân đầu bạc Định Công, chú thợ cắt tóc đầu ngõ Nguyễn Công Hoan, những em học sinh tham gia cuộc thi âm nhạc dân gian ở Cung Thiếu nhi Hà Nội... Tác giả Huỳnh Mai Liên chia sẻ về tập thơ và nguồn cảm hứng giúp chị viết Bay qua Hồ Gươm.
Tình yêu dành cho thành phố cưu mang mình
- Điều gì đưa chị đến với một tập thơ về Hà Nội?
- Tôi vốn không sinh ra ở Hà Nội nhưng gắn bó với thành phố này đã hơn 30 năm. Chừng ấy thời gian đủ cho Hà Nội trở thành một phần máu thịt trong tôi. Tình yêu của tôi dành cho Hà Nội qua từng con phố, hồ nước, hàng cây, tiệm bánh, quán ăn… không to tát mà mộc mạc, thân thương như hơi thở.
Điều thôi thúc tôi làm thơ về Hà Nội có lẽ được bắt đầu từ những điều giản dị ấy. Hà Nội đẹp trong bề dày lịch sử, trong từng mùa hoa, mùa lá.
|
Sách Bay qua Hồ Gươm. |
Khi tôi bắt đầu sáng tác, cảm hứng về Hà Nội đã xuất hiện trong những bài thơ về thiên nhiên, thời gian… nhưng thế vẫn chưa đủ. Vốn dĩ bộn bề trong công việc và gia đình, tôi không nghĩ nhiều về điều này. Tới một ngày, khi đang chuẩn bị sửa bài cho một bản thảo quan trọng, một tập thơ lưu dấu chùm bài thơ được chọn đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, 4, 5 - tôi chợt nhận ra năm 2024, tập thơ mà tôi mong muốn là viết về Hà Nội. Chỉ có thế.
Và tình yêu dành cho thành phố cưu mang mình đã giúp tôi đi qua một hành trình khó nhất trong suốt 8 năm sáng tác của mình. Nó mạnh mẽ và quyết liệt tới mức, ngay từ đầu, tôi đã từ chối hầu như toàn bộ những công việc li ti xung quanh giúp tôi trang trải thu nhập hàng ngày. Cả nhà sống tiết kiệm hơn, với những việc quan trọng hoặc lúc khó khăn, tôi sử dụng từ khoản tiền tiết kiệm ít ỏi.
Nó cuốn tôi theo tới mức tôi sẵn sàng bỏ qua vấn đề sức khỏe, ròng rã lấy thời gian từ giấc ngủ của mình, đến mức có một thời gian dài tôi bị xuống sức, cơ thể như bị kiệt sức... Khi cuốn sách ra đời và nhìn lại hành trình mình đã trải qua, tôi nghĩ chắc có một tiếng gọi từ Hà Nội đã đi cùng mình trong những ngày tháng ấy.
- Hà Nôi đã thực sự thay đổi như thế nào trong mấy chục năm qua, Hà Nội với chị sẽ khác với thế hệ trẻ em bây giờ như thế nào?
- Hà Nội hôm nay như một câu chuyện cổ tích so với ngày tôi và các bạn trong đội tuyển học sinh của trường từ khu vực ngoại thành về trường Amsterdam thi giải văn thành phố. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy trò dắt xe đi tắt qua cánh đồng dưới chân cầu Thăng Long, đường phố không to, nhà không cao như bây giờ.
Hà Nội hôm nay đổi thay quá nhiều, tòa nhà cao, tàu điện trên cao, những dấu xưa đang mất đi khá nhanh. Hà Nội trong con mắt trẻ em hôm nay là thành phố hiện đại, tiện nghi, nhiều quán ăn ngon. Nhưng từ trong câu chuyện của mỗi gia đình, những cuốn sách, những di sản văn hóa… các bạn nhỏ vẫn đầy trân trọng về một Hà Nội linh thiêng của trầm tích ngàn năm.
Tôi nghĩ, ai cũng có một “tiếng gọi” từ Hà Nội trong sâu thẳm bên trong mình.
Chạm vào Hà Nội từ góc nhìn trẻ thơ
- Những bài thơ của chị luôn tình cảm, nhẹ nhàng, dễ thương, kể cả viết về một chủ đề lớn và phức tạp, nhiều vẻ như một thành phố. Đó là lựa chọn về cách nhìn hay sự thống nhất của một phong cách thơ đã được định hình từ trước? Chị có cảm thấy đã trọn vẹn nói hết những gì muốn nói về Hà Nội?
- Khi viết thơ, tôi không có sự tính toán về nội dung, từ cách đặt vấn đề, câu chuyện hay cách kết thúc. Với Hà Nội cũng thế. Khi sáng tác, tôi chỉ có duy nhất đề tài được chuẩn bị sẵn. Còn lại, là thời gian, là tư duy theo ngôn ngữ và nhạc điệu bên trong. Dòng cảm xúc luôn mang tới những điều thú vị, và tôi tin tưởng đi theo sự dẫn dắt đó cùng tình yêu và cả những kiến thức mình đã tích lũy.
|
Nhà báo, nhà thơ Huỳnh Mai Liên. Ảnh: FBNV. |
Khi viết tập thơ Bay qua Hồ Gươm, tôi thường trở đi trở lại câu hỏi: Mình còn muốn viết về đề tài gì nữa? Song tôi không gặp áp lực phải viết trọn vẹn những gì mình muốn nói. Tôi nghĩ sau tập thơ này, vẫn có những bài thơ mới của mình về Hà Nội, rồi sẽ còn nhiều tác giả hôm nay và sau này viết tiếp. Những gì có thể trong khoảng thời gian hơn một năm, với góc nhìn của một nhà báo và cảm xúc của một tác giả, đã cho tôi một “hơi thở nhẹ” khi cuốn sách hoàn thành.
- Điểm đặc biệt trong thơ của chị dường như là tư thế tâm tình với trẻ nhỏ, đó là khi thơ không chỉ để bộc lộ cảm xúc của người viết, mà trước nhất dành để nói với các em, nói thay lời các em, ở đây là để trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội. Điều đó có phải một cố gắng nhập vai khi làm thơ cho trẻ em hay một quan niệm riêng của chị về việc làm thơ?
- Khi sáng tác, là một cái tôi bên trong rụt rè cất lên tiếng nói của mình. Tôi trân trọng, nâng niu cảm xúc đó, tới mức suốt những năm qua, tôi hầu như không sáng tác thơ người lớn. Đôi lúc tôi tự hỏi mình “bị" hay “được” khi có tâm hồn trẻ thơ đó. Nhưng bù lại, tôi được nhận nhiều thứ, như những rung động trong veo trước thiên nhiên, con người.
Chính vì thế, khi “chạm” vào Hà Nội, từ góc nhìn của một bạn nhỏ, tôi không gặp nhiều áp lực phải viết thế nào cho hay, cho mới mẻ. Bản thân góc nhìn con trẻ đã luôn có sự thú vị riêng. Những bài thơ viết về thành phố, tôi sáng tác sau cùng. Khi đó, đúng là qua hành trình "trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội”, tôi như được gần hơn với thành phố ngàn năm khi viết tập thơ này:
Trong giấc mơ thành phố
Tặng mình một cái ôm
Thì thầm bên tai nhỏ
Chúc mình mau lớn khôn
Thành phố không xa lạ
Nâng niu từng bước chân
hành phố không xa cách
Ở bên như người thân.
(Thành phố nhiều tuổi)
- Cuối cùng, chị có mong ước gì cho Hà Nội nhân sự ra đời của “Bay qua Hồ Gươm”?
- Cũng như nhiều người gắn bó với Hà Nội, tôi yêu thành phố này bằng trọn vẹn trái tim mình. Thế nhưng, ở Hà Nội, yêu Hà Nội chỉ bằng tình cảm thôi chưa đủ. Bản thân tôi cũng ngỡ ngàng trước rất nhiều thông tin khi trở về lịch sử, khám phá thành phố nơi mình gắn bó suốt hơn ba mươi năm qua.
Trong khuôn khổ một tập thơ thiếu nhi, tôi mong muốn góp phần “đánh thức” sự tìm hiểu của độc giả trẻ về Thủ đô. Tình yêu và sự hiểu biết sẽ giúp cho mỗi chúng ta có một ý thức, trách nhiệm với thành phố “trái tim của Việt Nam”. Trong phần cuối tập thơ, tôi viết bài “Điều ước Hà Nội” với những gợi mở cho những điều ước khác nối nhau. Khi thực sự suy nghĩ về nó, tôi tin rằng khi đã tin yêu, mỗi chúng ta sẽ tìm ra cách của riêng mình để đóng góp cho vẻ đẹp và sự trường tồn của thành phố.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
">