|
Theo nhận định của các chuyên gia công nghê, công nghiệp nội dung số là ngành công nghiệp kỹ thuật có giá trị gia tăng cao. Tính kỹ thuật của các sản phẩm nội dung số thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất, hàm lượng kỹ thuật, đặc biệt là hàm lượng công nghệ thông tin trong các sản phẩm nội dung số ngày càng lớn. Các sản phẩm nội dung số hiện đại như game, phim, ảnh, sản phẩm 3D, đòi hỏi sự những công cụ thiết kế và kỹ thuật lập trình rất phức tạp. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ còn mang đến những sản phẩm nội dung số đậm chất công nghệ như: thực tế ảo, trợ lý ảo... Thứ hai, các sản phẩm nội dung số đòi hỏi nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phức tạp để truyền tải tới người tiêu dùng. Các website nội dung số hàng đầu như youtube, netflix... đều có hạ tầng CNTT rất mạnh để có thể cung cấp sản phẩm tới hàng chục triệu người dùng đồng thời. Như vậy có thể thấy, bên cạnh nội dung và kịch bản phong phú, các sản phẩm nội dung số còn cạnh tranh nhau bằng kỹ thuật, công nghệ và hạ tầng.
Bên cạnh đó, do đặc điểm "tính giải trí cao" của sản phẩm nội dung số nên một sản phẩm nội dung số hấp dẫn sẽ rất dễ dàng tiếp cận hàng triệu khách hàng trong một khoảng thời gian rất ngắn và mang lại cho tác giả nguồn thu rất lớn. Sách trắng CNTT-TT năm 2014 của Bộ TT&TT cho thấy, năng suất lao động trong lĩnh vực nội dung số cao hơn trong lĩnh vực phần mềm khoảng 30% (20.000 usd/người/năm so với 15.000 usd/người/năm).
Các chuyên gia cho rằng, với hai đặc thù như vậy, Bộ TT&TT cần có xác định quan điểm quản lý ngành công nghiệp nội dung số như một ngành kỹ thuật, tương tự như phần mềm và dịch vụ phần mềm để từ đó xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.
Kinh nghiệm của một số nước có nền công nghiệp nội dung số phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, họ không đầu tư dàn trải mà ưu tiên đầu tư phát triển về các vấn đề chăm sóc sức khỏe trực tuyến (e-health) và giáo dục, đào tạo trực tuyến (e-learning) hoặc như Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ khép kín từ khâu sản xuất cho đến áp dụng và tiêu thụ nội dung. Nhờ vậy mà ngành công nghiệp nội dung ở nước này đã phát triển vượt bậc trong thời gian qua.
Ở Việt Nam, như đã phân tích ở trên, các sản phẩm nội dung số hiện đang rất rộng, chưa có định nghĩa đầy đủ và rõ ràng loại hình sản phẩm nội dung số. Nghị định 71/2007/NĐ-CP mới chỉ mang tính chất khung, thể hiện nhóm sản phẩm chính chưa được phân loại một cách cụ thể, đồng thời chưa theo kịp xu thế công nghệ hiện đại. Chính vì phạm vi rộng, lại thiếu phân loại cụ thể nên hàng loạt chính sách ưu đãi cho nội dung số bị vướng, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý.
Vẫn theo các chuyên gia, để có thể quản lý nội dung số như một ngành công nghiệp, cần sự phân loại cụ thể sản phẩm nội dung số theo hướng. Thứ nhất, phải phân biệt rõ các sản phẩm nội dung số mang tính công nghiệp, cần sự thông thoáng để phát triển như: game, e-learning, video....và các sản phẩm cần quản lý chặt chẽ về kịch bản, nội dung như: sách điện tử, các ấn phẩm báo chí điện tử... Thứ hai, phân biệt rõ các sản phẩm nội dung số hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao để ưu tiên phát triển và áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... Bên cạnh đó cần phải tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đẩy mạnh việc bảo vệ bản quyền.
" alt=""/>Công nghiệp nội dung số đang chờ tư duy quản lý đột phá