Vượt 300km có mặt tại Hà Nội thi Đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội
Hôm nay,ượtkmcómặttạiHàNộithiĐánhgiánănglựcĐHSưphạmHàNộlịch vleague ngày 11/5, hơn 11.500 thí sinh bước vào kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2024 của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với nhiều thí sinh, kỳ thi giúp các em có thêm cơ hội trúng tuyển đại học.
Sáng nay, các thí sinh bước vào các ca thi 1 (môn Toán) và ca thi 2 (môn Ngữ văn). Ca thi 1 bắt đầu từ 7h nhưng từ 6h, thí sinh và phụ huynh đã có mặt tại các điểm thi để chuẩn bị. Nhiều em mang theo sách vở, tài liệu ôn bài ngay tại sân trường. Không ít gia đình chọn cách đưa đồ ăn sáng đến trường để đảm bảo khâu chuẩn bị được tốt nhất.
Quê ở Hải Dương, Nguyễn Thị Ngọc Hân và Nguyễn Hương Lan (học sinh trường THPT Ninh Giang) cùng bắt xe lên Hà Nội từ chiều hôm qua và thuê trọ ngủ qua đêm chờ thi.
Sáng nay, ca 2 môn Ngữ văn bắt đầu từ 9h15. Song hai nữ sinh đã có mặt tại trường từ 6h30. “Chúng em đến sớm để tìm hiểu về khu vực thi, phần nào giúp bản thân bình tĩnh, tự tin hơn”, Ngọc Hân cho biết.
Cả hai mang theo túi tài liệu để ôn tập ngay tại khu vực sân trường trước điểm thi. Hương Lan cho hay: “Lên đây có không khí học tập hơn và đảm bảo chúng em sẽ không bị muộn giờ”.
Ngọc Hân muốn tham gia kỳ thi này vừa để đánh giá năng lực của bản thân, vừa thêm phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Hương Lan chia sẻ, tham gia kỳ thi này với mong muốn giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra sắp tới trên cả nước.
Cả Ngọc Hân và Lan đều hy vọng có thể dùng điểm số của kỳ thi này và trúng tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Để làm được điều đó, đầu giờ chiều nay, các em sẽ dự thi thêm ca thi môn Lịch sử.
Xa hơn, vượt hơn 300km từ huyện Nam Đàn (Nghệ An), chị Ngọc Lan cho hay, 2 mẹ con bắt xe từ tối qua và hơn 3h sáng nay, có mặt tại Hà Nội. Chính vì vậy, sáng nay, họ có phần mệt mỏi vì say xe. “Di chuyển quãng đường dài lại say xe nên con cũng hơi mệt. Tôi thấy con cũng tỏ ra lo lắng nên chỉ biết động viên con cố gắng”, chị Lan chia sẻ.
Con gái chị rất muốn vào ngành Sư phạm Toán của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Song, cả 2 mẹ con đều hiểu rằng cơ hội trúng tuyển vào ngành học này là rất khó. Vì vậy, họ quyết định dự thi kỳ thi này để có thêm phương thức, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường. “Tôi với con cũng xác định, thi để thử sức và cũng như rèn kinh nghiệm, bản lĩnh”, chị Lan nói. Chiều nay, sau khi hoàn thành ca thi môn Hóa, 2 mẹ con chị sẽ bắt xe về quê.
Nhà ở Thường Tín, Hà Nội, em Đàm Ngọc Diệp (học sinh trường THPT Lý Tử Tấn, Hà Nội) cũng cùng mẹ đến điểm thi từ sớm với tâm lý khá thoải mái. "Em nghĩ trước kỳ thi nên chuẩn bị một tâm lý ổn định bởi tâm lý yếu, mất bình tĩnh sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi", Diệp nói.
Dù vậy, sau khi con gái vào điểm thi, chị Phạm Thị Liêm vẫn cố gắng tiến thật sát lại dải phân cách để vẫy tay tiếp thêm năng lượng cho con. "Con năm nào cũng đạt học sinh giỏi, đứng top đầu của lớp nhưng chuyện thi cử khó nói trước. Tôi mong con có sức khỏe và tinh thần tốt xuyên suốt kỳ thi".
TS Trần Bá Trình, Trưởng Phòng Đào tạo của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, số thí sinh đăng ký dự thi Đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội lên đến 11.537, tăng gần 2,5 lần so với năm 2023.
Trong đó, 6.617 thí sinh đăng ký thi môn Toán; 7.531 thí sinh đăng ký thi môn Ngữ văn; 5.131 thí sinh đăng ký thi môn tiếng Anh; 1.972 thí sinh đăng ký thi môn Vật lý; 1.898 thí sinh đăng ký thi môn Hoá học; 380 em thi môn Sinh học; 2.830 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử; 931 em thi môn Địa lý.
Về nội dung thi, thí sinh lựa chọn đăng kí một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy.
Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Cụ thể, môn Ngữ văn có phần tự luận 70% và 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm; môn tiếng Anh có tỷ lệ 80% là trắc nghiệm và 20% tự luận; các môn còn lại phần trắc nghiệm chiếm 70%. Thời gian làm bài các môn Toán và Ngữ văn là 90 phút, các môn còn lại đều 60 phút.
Năm 2024, kỳ thi Đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 3 điểm thi chính với tổng số 291 phòng thi. Trong đó, tại Quy Nhơn có 5 phòng thi (169 thí sinh); tại Đà Nẵng có 5 phòng thi (243 thí sinh); tại Hà Nội có 281 phòng thi (11.125 thí sinh).
Hiện, kết quả bài thi được 9 trường đại học trên cả nước công nhận, gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, trường ĐH Vinh, trường ĐH Quy Nhơn, trường ĐH Y Dược Thái Bình.