Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc trực tiếp với giám đốc các Sở TT&TT và đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. (Ảnh: Lê Anh Dũng) Trao đổi với lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương cùng các đối tượng quản lý trong ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành TT&TT với đất nước: Đôi cánh để Việt Nam bay lên, hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 cơ bản là ngành TT&TT. Trong đó, về tinh thần, để thổi lên khát vọng thì báo chí truyền thông, xuất bản, thông tin cơ sở là chính. Cánh vật chất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, với vai trò chủ yếu là công nghệ số, đổi mới sáng tạo số.
Bộ trưởng cũng lưu ý, kinh tế số là động lực tăng trưởng chính. Muốn năng cao năng suất lao động cũng phải dựa vào kinh tế số, công nghệ. Với công tác tư tưởng, mặt trận chính là không gian mạng và vì thế báo chí truyền thông phải đặt mục tiêu chiếm lĩnh trận địa này.
Sau thời gian khá dài, lãnh đạo Bộ TT&TT mới có cuộc làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. (Ảnh: Lê Anh Dũng) Dù buổi gặp mặt diễn ra vào ngày cận kề thời điểm khép lại năm 2023, song mô hình trao đổi, thảo luận và giải đáp các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đối tượng quản lý của ngành TT&TT tiếp tục được lãnh đạo Bộ TT&TT áp dụng.
Theo thống kê, trong thời gian từ ngày 10/12 đến 27/12, hệ thống của Bộ TT&TT đã tiếp nhận 336 kiến nghị. Đến nay, chỉ còn 31 kiến nghị chưa trả lời, 13 đã trả lời nhưng chưa thỏa mãn, đề nghị được tiếp tục làm rõ.
Trước đề nghị của nhà mạng mong được địa phương hỗ trợ trong việc phát triển hạ tầng số trên địa bàn, được Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng nêu tại buổi làm việc, người đứng đầu ngành TT&TT đề nghị các lãnh đạo Sở TT&TT nhận thức lại cho đúng về vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số tại các tỉnh, thành phố.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc phát triển hạ tầng số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, không có hạ tầng số thì không có nền kinh tế số. Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số là một trong những hạ tầng quan trọng của một tỉnh, không khác gì giao thông, đường sá...
Các địa phương, Sở TT&TT phải thay đổi nhận thức, phải coi phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số là trách nhiệm và là việc chính của mình. Và vì thế, hàng năm các địa phương phải lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số; hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai hạ tầng số tại địa phương. “Không thay đổi nhận thức, địa phương sẽ không bao giờ đi lên được”, Bộ trưởng khẳng định.
Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục là trọng tâm trong năm 2024
Việc triển khai thế nào để dịch vụ công trực tuyến thực sự thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp là trăn trở của nhiều lãnh đạo Sở TT&TT. Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến hết năm 2023, đã triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tuy nhiên, về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mới chỉ đạt 38,3%.
Theo Bộ TT&TT, 2 yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến Việt Nam năm 2024 là toàn trình và thực chất. (Ảnh minh họa: MQ) Tại buổi gặp mặt ngày 28/12, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội và Đà Nẵng đã chia sẻ bài học của địa phương mình. Theo đó, với Hà Nội, từ thực tế gặp khó khăn khi triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mới từ tháng 2/2023, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị 15 về cải cách thủ tục hành chính.
Tinh thần quan trọng của Hà Nội trong Chỉ thị 15 là nhiều quy định, quy chế nội bộ thuộc thẩm quyền địa phương thì địa phương có thể sửa ngay được, không phải chờ sửa luật, nghị định; nhờ đó đã cắt giảm được các bước trong nhiều thủ tục, giúp công chức xử lý thủ tục hành chính được nhanh hơn, tờ khai mà người dân cần điền đơn giản và dễ hiểu hơn.
Với Đà Nẵng, bài học kinh nghiệm quan trọng là địa phương này triển khai rất tốt kho dữ liệu về dịch vụ công trực tuyến và kết quả thực hiện thủ tục hành chính. Kho dữ liệu này đã giúp Đà Nẵng đơn giản nhiều thủ tục, hồ sơ theo nguyên tắc giấy tờ gì chính quyền đã cấp cho người dân thì sau đó không yêu cầu lại.
Cho biết dịch vụ công trực tuyến là quan trọng nhất của giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào dịch vụ công trực tuyến, với 2 yêu cầu là toàn trình và thực chất. Trong đó, toàn trình nghĩa là người dân làm từ nhà và thực chất có nghĩa là dịch vụ công trực tuyến đó cần ít nhất 70% người dân dùng từ nhà.
Từ kinh nghiệm thực tế của Đà Nẵng, Hà Nội, dự kiến đầu năm mới 2024, Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn cụ thể các việc mà các tỉnh, thành phố cần làm thời gian tới đối với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. “Thay đổi căn bản của năm 2024 là Bộ TT&TT ra yêu cầu từ nay trở đi, bất cứ văn bản nào ban hành thì đều phải có hướng dẫn thực hiện”, người đứng đầu Bộ TT&TT chỉ rõ.
Dẫn kinh nghiệm của thế giới trong chuyển đổi số, Bộ trưởng cũng gợi mở phương án bắt buộc chỉ cung cấp dịch vụ công theo hình thức trực tuyến toàn trình, có thể cân nhắc lựa chọn 1 số thủ tục để áp dụng.
Thống nhất với đề xuất của Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng với dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khung kiến trúc phiên bản mới cần được viết theo hướng kiến trúc Chính phủ số.
Gỡ khó cho hoạt động của các cơ quan báo chí
Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề nóng của báo chí đã được đưa ra bàn luận, đồng thời, cũng đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT gợi mở, hướng dẫn cách giải quyết như: Xây dựng đề án cơ quan báo chí chủ lực, việc tổ chức hội đồng quản lý cơ quan báo chí, đo lường trong lĩnh vực báo chí...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi về hướng giải quyết với các vướng mắc trong lĩnh vực TT&TT. (Ảnh: Lê Anh Dũng) Một trong những vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm là việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các cơ quan báo chí. Theo Sở TT&TT Hà Nội, với 8 cơ quan báo chí, truyền hình, Hà Nội đang gặp khó khi mỗi nơi lại có cách làm riêng, dẫn tới thành phố phải phê duyệt các đơn giá khác nhau. Băn khoăn của Hà Nội là liệu có thể gom lại để xây dựng một định mức chung cho tất cả các cơ quan báo chí.
Với hệ thống định mức tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật về đặt hàng báo chí, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Phạm Mạnh Hùng cho rằng nên quy định mức tối thiểu chứ không phải tối đa bởi báo chí là 1 sản phẩm sáng tạo, không thể đặt định mức cứng.
Trước những băn khoăn của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ TT&TT sẽ ban hành thông tư mới, bỏ 3 thông tư cũ về định mức kinh tế kỹ thuật cho báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.
Bộ TT&TT xác định việc quản lý theo hướng đưa ra một công thức chung để tính định mức kinh tế kỹ thuật. Các Sở TT&TT sẽ tự xác định giá rồi áp dụng theo công thức. Bộ TT&TT chỉ hậu kiểm để xem đơn vị có dùng đúng công thức không, lấy đúng giá từ thị trường vào không. Độ tự chủ của cơ quan chủ quản báo chí vì vậy sẽ tăng lên.
Hiện nhiều địa phương cũng có ý kiến khi phải đối mặt với những áp lực từ việc đặt hàng và nghiệm thu các sản phẩm báo chí. Trước thực tế đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ TT&TT sẽ kiến nghị tới Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 32. Điều này dự kiến được thực hiện theo hướng, để cơ quan báo chí tự nghiệm thu, người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm, cơ quan đặt hàng chỉ cử chuyên viên giám sát. Đây là cách để đổi mới phương thức nghiệm thu.
Đối với cơ chế xác định giá, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký công văn kiến nghị với Bộ Tài chính về việc sửa Nghị định 60 về cơ chế xác định giá căn cứ vào giá thực tế và 3 năm gần nhất.
Về nhận thức, tất cả cơ quan nhà nước đã hiểu rằng truyền thông là việc của mình, sẽ có mục chi riêng và bộ máy riêng để triển khai. Vì thế, ngân sách sẽ được cấp và mang đi để đặt hàng cơ quan báo chí.
Vấn đề bảo vệ bản quyền các sản phẩm của cơ quan báo chí trên môi trường số cũng được đặt ra tại buổi làm việc. Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng nêu lên một vấn nạn với các cơ quan báo chí khi chuyển đổi số và phân phối nội dung đa nền tảng, đó là vấn đề vi phạm bản quyền.
Các cơ quan báo chí hiện bị vi phạm bản quyền với mật độ ngày càng trầm trọng, trong khi không đủ nguồn lực, nhân lực và các yếu tố kỹ thuật để xử lý việc này.
“Nếu càng ngày càng xảy ra thì cơ quan báo chí không dám đầu tư vào các sản phẩm chất lượng nữa. Trong khi đó, quy định xử lý xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe” , ông Hải nêu vấn đề.
Trước thực trạng trên, VTV kiến nghị Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan quản lý có biện pháp mạnh hơn để răn đe tình trạng vi phạm bản quyền nội dung nói chung và các sản phẩm báo chí trên các nền tảng số, chủ yếu là mạng xã hội.
Để giải câu chuyện này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị VTV thu thập đầy đủ các chứng cứ và có công văn. Bộ TT&TT sẽ làm việc với Bộ Công an để xử lý điểm một vài vụ, nhằm ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền.
">