“Cá nhân hóa”
Cá nhân hóa là một mục tiêu của chuyển đổi số
Những năm gần đây,ánhânhóxếp hạng anh cụm từ “trải nghiệm khách hàng” (customer experience) được nhắc đến nhiều. Theo nghiên cứu của Digital Banking Report, chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng được ưu tiên hàng đầu trong năm 2021, chỉ sau chiến lược chuyển đổi số. Theo công ty kiểm toán Ernst & Young, có 40% khách hàng nói rằng, họ sẽ ở lại với nhà cung cấp dịch vụ tài chính nếu trải nghiệm của họ được cá nhân hóa nhiều hơn.
Trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang có sự thay đổi mạnh mẽ, tạo ra các xu hướng dịch vụ, sản phẩm mới theo hướng nhanh chóng và thuận tiện hơn. Trong thời đại số ngày nay, đặc biệt dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã đã làm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, khiến nhu cầu tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên các thiết bị thông minh ngày càng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong 8 tháng đầu năm 2021, kết quả thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh Internet, điện thoại di động, QR code đều đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 54% về số lượng và 30% về giá trị; qua kênh điện thoại di động mức tăng đạt khoảng 74% và 93%; tăng cao nhất là qua kênh QR code, 2 con số tăng trưởng đạt xấp xỉ 66% và 133%.
Mục tiêu nâng cao trải nghiệm, phù hợp với hành vi tiêu dùng thay đổi của khách hàng cũng đang được khuyến khích đẩy mạnh ở Việt Nam. Theo NHNN, có đến 95% tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã, đang và có kế hoạch xây dựng chiến lược chuyển đổi số, và đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số. Quyết định 810-NHNN cũng nêu rõ mục tiêu của việc chuyển đổi số trong các ngân hàng là: “Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới…”.
Để đạt được mục tiêu trên, ngân hàng truyền thống với công nghệ lõi thế hệ thứ nhất, thứ hai, và ngay cả thứ ba đều phải thay đổi. Cấu trúc nguyên khối “xây dựng để trường tồn” của các thế hệ công nghệ này bộc lộ nhiều nhược điểm như không linh hoạt, chậm chạp và cồng kềnh, khó tăng trưởng quy mô, thời gian cho ra đời một sản phẩm mất hàng năm, và dẫn đến khả năng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng bị hạn chế, cũng như chi phí cao cho việc duy trì vận hành.
Các điểm yếu này khiến ngân hàng truyền thống nếu không chuyển đổi số sẽ khó cạnh tranh với các Fintech sở hữu công nghệ hiện đại, đang chiếm lĩnh nhiều thị phần dịch vụ truyền thống của ngân hàng. Theo Mambu – nhà cung cấp nền tảng ngân hàng lõi SaaS đích thực, thì “Sai lầm lớn nhất mà bất kỳ ngân hàng nào có thể mắc phải lúc này là không làm gì cả. Các ngân hàng truyền thống cần xem họ có thể phát triển như thế nào và tận dụng những cơ hội mà thế giới hậu đại dịch có thể mang lại”.
Công nghệ lõi thế hệ thứ tư - chìa khóa giúp cá nhân hóa dịch vụ
Cũng theo Mambu “những thay đổi từng là một khoản nợ, thì giờ đây nó là tài sản lớn nhất của những ngân hàng, giúp các ngân hàng này có đủ sức mạnh để tiến đến một biên giới mới”. “Thay đổi” ở đây chính là công nghệ lõi thế hệ thứ tư trên nền tảng điện toán đám mây – một giải pháp cấp thiết giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh, tận dụng được các cơ hội kinh doanh mới và phát triển bền vững cho một tương lai bất định.
Theo báo cáo “Ngân hàng lõi kết hợp: Nắm bắt các khả năng bất tận của ngân hàng” (“Composable Core: Capturing Banking’s Endless Possibilities”) tháng 1/2021 của IDC, có 04 thế hệ ngân hàng lõi trong vòng 50 năm qua, trong đó thế hệ thứ tư với 25 thuộc tính đặc trưng cần thiết đem đến khả năng siêu cá nhân hóa, tốc độ, linh hoạt và siêu tinh gọn trong cách tái sử dụng và tái tạo.
25 thuộc tính bao phủ trong 3 khu vực. Khu vực chức năng nghiệp vụ gồm các hoạt động như mở tài khoản, phát triển sản phẩm, phân tích nhu cầu…; Khu vực kỹ thuật gồm các khả năng như mở rộng quy mô, công nghệ đám mây bền vững, cơ sở dữ liệu phân tán…; Và khu vực triển khai và chuyển đổi gồm các chức năng như kết hợp quy trình, dòng lưu trữ, hay giao diện lập trình ứng dụng mở…
Nghiên cứu của IDC cũng chỉ ra rằng, 25 thuộc tính đặc trưng của công nghệ lõi thế hệ thứ tư đã tạo ra được các tính năng ưu việt như khả năng cấu hình, khả năng kết hợp, thiết kế khách hàng, tùy chỉnh đa dạng, nâng cấp liên tục, khả năng vá lỗi, công nghệ cập nhật…. Trong đó, “trái tim” của công nghệ nằm ở khả năng cấu hình (configurable) và khả năng kết hợp (composable). Chính vì vậy, sử dụng công nghệ lõi thế hệ thứ tư chính là sử dụng cấu trúc Ngân hàng kết hợp (Composable banking) cùng với trí tuệ nhân tạo, học máy,… để có thể kết hợp nhanh chóng và lắp ráp linh hoạt các hệ thống độc lập trên nền tảng đám mây, giúp ngân hàng có thể thay đổi dễ dàng, nhanh chóng và theo quy mô lớn, từ đó có thể tạo ra các khả năng không giới hạn đáp ứng được từng nhu cầu cá nhân.
Tại Việt Nam, hiện có một số ngân hàng số ra đời với kiến trúc ngân hàng kết hợp (Composable banking) như Timo, Cake, TNEX. Các ngân hàng này đã ứng dụng công nghệ lõi thế hệ thứ tư để nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường và thói quen tiêu dùng mới của khách hàng với các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, mang tính cá nhân hóa cao.
Công nghệ lõi thế hệ thứ tư và kiến trúc kết hợp có thể áp dụng ở mọi tổ chức tín dụng có quy mô từ nhỏ đến lớn.Thế hệ công nghệ này cũng có thể dùng cho ngân hàng truyền thống hay ngân hàng kiểu mới và ở mọi nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh khách hàng dẫn dắt sự phát triển của ngân hàng, thì các ngân hàng cần phải thay đổi văn hóa, đầu tiên là cần phải nghĩ về trải nghiệm khách hàng và đáp ứng được tất cả nhu cầu của từng khách hàng. Các ngân hàng cũng cần có khả năng tung ra các sản phẩm và dịch vụ với tốc độ nhanh chóng, thêm các tính năng mới cho các nền tảng, đồng thời nâng cao các tính năng hiện có. Công nghệ hiện đại sẽ trao quyền cho các ngân hàng thực hiện được các mục tiêu này. Thay thế công nghệ lõi từ ba thế hệ trước bằng thế hệ thứ tư sẽ thành “tài sản lớn nhất” cho các ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Phạm Quang Minh – (Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam)