Đài ABC ở Canberra dẫn lời Miles Pattenden - nhà sử học và cũng là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Công giáo Australia - cho rằng, nhìn lại lịch sử và những gì nhân loại đã trải qua sẽ giúp con người đương đầu tốt với những thách thức ngày nay.
"Thật đáng buồn, dịch hạch vẫn tái diễn xuyên suốt lịch sử. [Covid] khá tệ đối với nhiều người, khiến chúng ta bị kẹt ở nhà trong khoảng thời gian dài... Tuy nhiên, trên thực tế, so với một số năm thảm họa khác ở nhiều thế kỷ trước, lịch sử nhân loại cũng đã trải qua nhiều thời điểm khác nhau và hứng chịu những hậu quả còn tồi tệ hơn".
Đại dịch đã khiến nhiều người chịu phong tỏa và hạn chế. Ảnh: Unsplash |
Theo ông Pattenden, khi các đại dịch trong quá khứ xảy ra, thế giới chưa có lợi thế về y học và khoa học để chữa trị nhanh chóng. Nhắc đến "Cái chết Đen" (dịch hạch), chuyên gia này nói: "Chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu người tử vong trong Cái chết Đen, nhưng hầu hết các nhà sử học ước tính vào khoảng 1/4 đến 1/3 dân số trên toàn châu Âu và châu Á".
"[Nó] quét qua châu Á và sau đó là châu Âu, bắt đầu vào khoảng năm 1347. Và nó tấn công theo nhiều đợt. Ở châu Âu và ... một số vùng của nước Anh, có những ngôi làng bị xóa sổ hoàn toàn bởi vì tất cả mọi người ở đó đã chết".
Vị giáo sư chỉ ra rằng con người thường quên đi những thảm họa lịch sử kiểu như thế.
"Nếu bạn dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về tất cả những điều có thể sai hoặc đã sai trong quá khứ, bạn sẽ không bao giờ có thể tận hưởng cuộc sống hiện tại của mình", ông nêu quan điểm. "Tôi nghĩ đó có lẽ là cơ chế đối phó của phần lớn nhân loại".
Vậy nếu nhìn lại những thảm họa đã qua như bệnh dịch, chiến tranh và thiên tai, con người có thể đạt được mục đích gì? Lịch sử có thể giúp chúng ta đối phó ở hiện tại như thế nào?
Nhà sử học Pattenden cho rằng, một chút kiến thức về những sự kiện lịch sử làm thay đổi cuộc đời có thể mang lại cho chúng ta niềm hy vọng. "Nó giúp tôi trở thành một người lạc quan hơn, vì bạn thấy được các loại vấn đề mà mọi người từng gặp phải và đối mặt, và bằng cách nào đó họ đã vượt qua tất cả".
"Điều đó luôn khiến tôi tin chúng ta sẽ vượt qua những gì đang xảy ra hiện nay", ông bày tỏ.
Theo giáo sư Kate Reynolds, thành viên trường Cao đẳng Y tế và Dược phẩm thuộc Đại học quốc gia Australia, những bài học từ lịch sử chỉ là một phần những gì cần thiết để chúng ta giữ vững tinh thần lạc quan giữa đại dịch Covid-19.
"Tôi nghĩ rất khó để so sánh những hiểm họa và thảm họa như thế ... Ý tôi là, chúng ta có những hoàn cảnh khác nhau, một số quốc gia có những hỗ trợ khác nhau, chúng ta có công nghệ khác nhau. Nó có những tác động không đồng đều trong cộng đồng, vì vậy tôi cho rằng khó mà có thể đưa ra phán xét", bà nói. "Có những thách thức lớn lao, có những bất trắc khủng khiếp, và có những gián đoạn rộng khắp. Những tác động không đồng đều, ảnh hưởng đến mọi người theo những cách rất khác nhau - và điều đó vẫn đang tiếp diễn".
"Tôi nghĩ điều đó càng củng cố tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và tăng cường các mối quan hệ xã hội cũng như sự kết nối của chúng ta với nhau", nữ giáo sư nói thêm.
Bà Reynolds cho rằng đại dịch có một "lớp lót bạc", đó là nhiều người đã dành thời gian để đánh giá lại cuộc sống của mình, nhìn nhận lại giá trị, thời gian và cách thức làm việc, để trở nên tử tế hơn, kết nối nhiều hơn với những người xung quanh.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Thanh Hảo
Hiện tại, đại dịch Covid-19 gây tử vong ít hơn vì đã có vắc xin nhưng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể xuất hiện.
" alt=""/>Nhìn nhận đại dịch Covid