- Chiều nay 22/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Minh Lợi cùng đồng bọn bị truy tố về tội đưa – nhận hối lộ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi tiếp tục bước vào phần xét hỏi.
HĐXX đã giành thời gian xét hỏi đối với các bị cáo Trần Minh Lợi, Nguyễn Văn Phúc để làm rõ hành vi đưa - nhân hối lộ xảy ra tại Phòng Giao dịch Đại Lộc (Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk).
Theo cáo trạng, vào tháng 4/2014, Trần Minh Lợi thế chấp sổ đỏ để vay vốn tại Phòng Giao dịch Đại Lộc số tiền 1,8 tỷ đồng. Lợi đã nhắn tin cho Nguyễn Văn Phúc (giám đốc phòng giao dịch) đề nghị giải quyết cho vay thêm 600 triệu đồng và sẽ chi cho Phúc 150 triệu đồng.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Phúc từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư |
Ngày 22/4, Nguyễn Đức Trọng (tổ trưởng tổ tín dụng) thông báo với Lợi lãnh đạo đã đồng ý cho bị cáo vay 1,8 tỷ đồng nhưng phải giải ngân thành hai đợt. Lợi đã đưa cho Phúc 50 triệu đồng và thỏa thuận khi nào giải ngân đợt 2 sẽ đưa nốt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, Phúc chỉ nhận 30 triệu đồng, còn lại 20 triệu, Phúc nói bị cáo Lợi đưa cho ông Trọng và một cán bộ khác. Lợi đã ghi âm lại các lần trao đổi, giao dịch với các cán bộ ngân hàng. Nhận đủ tiền, Lợi nhắn tin đòi lại số tiền bồi dưỡng và Phúc đã trả lại 30 triệu đồng. Bị cáo Lợi sau đó làm đơn phản ánh gửi Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk tố cáo việc Phúc nhận 30 triệu đồng.
Tháng 11/2014, Phúc và Trọng cũng làm đơn tố cáo Lợi cưỡng đoạt tài sản số tiền 200 triệu đồng. Trọng cung cấp cho cơ quan điều tra một giấy ghi Lợi vay 80 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã không khởi tố vụ án do không đủ căn cứ.
Khi HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Văn Phúc về quy trình thẩm định hồ sơ, cho vay vốn đối với Trần Minh Lợi, Phúc trả lời vòng vo không đi vào trọng tâm buộc HĐXX phải nhắc nhở. Phúc thừa nhận việc thẩm định hồ sơ trên giấy tờ mà không thẩm định thực tế.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Minh Lợi đã đặt nhiều câu hỏi đối với bị cáo Phúc về quy trình thẩm định hồ sơ cho vay; việc Phúc nhận 30 triệu đồng của Lợi có vi phạm quy định của ngành ngân hàng; việc nhận tiền có ảnh hưởng gì đến việc giải ngân tiền cho Lợi…Tuy nhiên, bị Phúc im lặng, hoặc từ chối không trả lời.
|
Nhân chứng Nguyễn Đức Trọng nói rằng việc nhận “tiền trà, nước” tại ngân hàng diễn ra thường xuyên khiến người dự tòa cười ồ |
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Ngô Đức Thọ cho mời Nguyễn Đức Trọng (tổ trưởng tổ tín dụng) đứng dậy đối chất về việc nhận bồi dưỡng khi giải ngân khoản vay cho Lợi. Trọng trả lời, việc Lợi đưa tiền là “cảm ơn” vì cán bộ ngân hàng tạo thuận lợi cho việc thế chấp, vay vốn. Trọng cũng nói rằng việc khách hàng “cảm ơn” là thường xuyên xảy ra tại ngân hàng. Trước câu trả lời của nhân chứng Trọng, những người tham gia phiên tòa đã cười ồ lên.
Đến phần xét hỏi bị cáo Trần Minh Lợi, HĐXX hỏi bị cáo thế chấp sổ đỏ vay tiền tại phòng giao dịch Đại Lộc vì mục đích gì?
Bị cáo Lợi trả lời rành mạch là vay tiền để kinh doanh. Bị cáo đã thế chấp 2 sổ đỏ để vay 1,8 tỷ đồng. Lợi cho biết, khi nộp hồ sơ thì đưa cho Nguyễn Đức Trọng. Quá trình nhận hồ sơ, Trọng không đòi hỏi gì nhưng thông qua một người khác tên Tuyết làm trung gian gợi ý phải có “tiền trà, nước” thì việc giải ngân mới trôi chảy.
Lợi thừa nhận có nhắn tin vào số điện thoại của bị cáo Nguyễn Văn Phúc nội dung nói cho vay thêm 600 triệu đồng thì sẽ chi “tiền trà, nước” là 150 triệu đồng.
Lợi cho rằng, “tiền trà, nước” thực chất là tiền nhũng nhiễu khách hàng trong giao dịch tín dụng của cán bộ ngân hàng.
Lợi cũng khai tại tòa, đã đưa cho Phúc 50 triệu trước khi được giải ngân đợt một số tiền 1,5 tỷ đồng, nhưng Phúc nhận 30 triệu đồng, còn 20 triệu đồng Phúc bảo đưa cho Trọng. Số tiền 20 triệu đồng được Lợi đưa cho Trọng sau khi giải ngân.
|
Bị cáo Trần Minh Lợi |
Trả lời câu hỏi của HĐXX về mối liên hệ giữa Lợi với Phúc, Trọng. Lợi cho biết vẫn giữ liên lạc với hai cán bộ ngân hàng này sau khi vay vốn. Sau khi được giải ngân, Lợi nhắn tin cho Trọng nội dung nói số tiền 20 triệu đồng mà Trọng nhận của Lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Việc nhắn tin này được Lợi thực hiện sau khi nhận đủ số tiền vay khoảng 1 tuần.
Khi Lợi nhắn tin, đe dọa tố cáo, Trọng và Phúc sau đó đã trả lại số tiền Lợi đưa. Phía ngân hàng sau đó tiếp tục giải ngân thêm 300 triệu đồng cho Lợi.
Lợi còn khai, sau khi được giải ngân khoản tiền vay, Phúc có nói với Lợi “còn 100 triệu anh đưa cho em, em tự xử lý cho anh em trong cơ quan”
Tuy nhiên, sau khi được giải ngân 300 triệu đồng, Lợi không đưa số tiền 100 triệu cho Phúc như đã hứa. Theo Lợi, việc không đưa số tiền trên là vì bị cáo đã chứng minh được hành vi phạm tội của cán bộ ngân hàng.
Lợi khẳng định rằng, việc nhắn tin cho Trọng, Phúc là để thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi tiêu cực của cán bộ ngân hàng.
"Sau khi ghi âm xong tại sao bị cáo không nộp cho các cơ quan có thẩm quyền để tố cáo?" – chủ tọa phiên tòa chất vấn
Lợi nói rằng, đã chứng minh được hành vi tiêu cực, muốn giải quyết xong các quyền lợi cá nhân rồi mới tố cáo. Đó là giải ngân được khoản vay, đòi lại khoản tiền đã đưa cho Phúc, Trọng.
Lợi cũng nói rằng, biết hành vi đưa tiền cho cán bộ ngân hàng là sai nhưng mục đích đưa là để thu thập chứng cứ để tố cáo tiêu cực.
Lợi khẳng định, đưa tiền cho cán bộ ngân hàng là do bị nhũng nhiễu chứ không phải đưa hối lộ.
HĐXX chất vấn, tại sao sau khi thu thập chứng cứ không tố cáo ngay mà để thời gian rất dài sau đó mới tố cáo?
Bị cáo Lợi nói rằng, pháp luật không quy định về thời gian bao lâu thì phải tố cáo. Việc Lợi giữ lại chứng cứ là mục đích để có thời gian xác minh, củng cố thông tin cho chính xác mới tố cáo nếu không sẽ phạm vào tội vu khống.
Đến 17g chiều 22/3, phần xét hỏi đối với bị cáo Trần Minh Lợi kết thúc. HĐXX tuyên bố bãi tòa. Ngày mai (23/3) phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi đối với Trần Minh Lợi và các đồng phạm để làm rõ hành vi đưa – nhận hối lộ chạy tại ngoại cho các con bạc xảy ra tại huyện Đắk Mil.
Chiêu đưa hối lộ của chủ Facebook 'diệt giặc nội xâm'
Ông Trần Minh Lợi, người lập trang Facebook “diệt giặc nội xâm”, bị truy tố tội đưa hối lộ, đối diện khung hình phạt từ 13 - 20 năm tù.
">