Giáo viên giỏi phải là người nỗ lực để không học sinh nào bị bỏ lại
Bản thân tôi từng là một học sinh,áoviêngiỏiphảilàngườinỗlựcđểkhônghọcsinhnàobịbỏlạbảng xếp hạng hạng 2 anh sinh viên và tôi cũng đã có thời gian làm giáo viên nên tôi nghĩ việc có nhiều học sinh đạt thành tích cao là đặc điểm tiêu biểu của một nhà giáo giỏi. Bởi vì việc này là minh chứng rõ ràng nhất để phản ánh rằng người giáo viên ấy có năng lực chuyên môn vững chắc, đầu tư thời gian, tâm sức cho học sinh của mình và mong cho các em thành tài.
Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên lấy đó làm thước đo để đánh giá một giáo viên. Việc có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập chỉ đáp ứng được mục tiêu ngắn hạn trong nhà trường mà chưa đáp ứng được mục tiêu cao cả dài hạn hơn của giáo dục, đó là phát triển toàn diện con người.
Tập trung vào thành tích để đánh giá giáo viên có thể dẫn đến bệnh thành tích và vô hình đặt áp lực lớn cho các em học sinh. Những em học sinh có tố chất sẽ bước vào cuộc cạnh tranh thành tích và chịu nhiều sự kỳ vọng.
Trong khi đó, các em yếu thế hơn hoặc chưa đạt thành tích tốt có thể cảm thấy bị bỏ lại, tổn thương về tâm lý hoặc không phát triển đúng như tiềm năng vốn có.
Trong thời đại có nhiều biến động và công nghệ luôn cải tiến vượt bậc như sự ra đời của ChatGPT hiện nay, chỉ có thành tích thôi chưa đủ để học sinh có thể giành lợi thế như xin việc hoặc thăng tiến bởi có nhiều công việc đã được tối ưu hóa bằng máy móc.
Nếu chỉ đánh giá dựa trên thành tích, người giáo viên mới thực hiện được vai trò truyền tải kiến thức, con chữ mà chưa xem xét đến khía cạnh phát triển về tính cách, phẩm chất, đạo đức và kỹ năng.
Bản thân tôi là người may mắn khi được làm việc trong một ngôi trường chuyên và cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn trẻ tài năng với thành tích cao. Tôi nhận thấy ngoài kiến thức, cần sự tự nhận thức cao về ưu, nhược điểm của bản thân cũng như điều gì làm mình ít bị thay thế, như vậy mới có thể thành công cả trong học tập lẫn công việc.
Theo tôi, yếu tố làm nên một giáo viên giỏi không chỉ là số lượng học sinh có thành tích mà nên dựa trên mục tiêu giáo dục ngắn hạn/dài hạn và việc người giáo viên đó có giúp học sinh của mình đạt được mục tiêu giáo dục đề ra hay không.
Tuy nhiên, vì mục tiêu giáo dục có thể thay đổi để phù hợp với mỗi tình huống và hoàn cảnh cụ thể nên người giáo viên giỏi cần nắm bắt và hiểu rõ đặc điểm của học sinh cũng như môi trường để hoàn thành mục tiêu chung và mục tiêu riêng biệt.
Tôi cho rằng một người giáo viên giỏi là người có khả năng đặt ra mục tiêu giáo dục toàn diện và phù hợp, giúp học sinh phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Người giáo viên ấy cũng cần có niềm tin rằng các em luôn có khả năng cải thiện và tiến bộ mỗi ngày.
Để làm được điều này, giáo viên giỏi có thể đa dạng nhiều vai trò: người thầy, người đồng hành, người bạn... Ngoài ra, giáo viên giỏi nên là người mang đến sự tiếp cận bình đẳng và đảm bảo cơ hội phát triển cho tất cả đối tượng học sinh, đặc biệt là các em có khiếm khuyết hoặc gặp bất lợi về hoàn cảnh gia đình.
Tôi còn nhớ, hồi học cấp 2, trình độ tiếng Anh của tôi không tốt và tôi từng nghĩ mình không đủ năng lực để thi chuyên Anh. Lúc đó, tôi đã cảm thấy nản lòng và nhiều lúc thất vọng về bản thân. Lúc lên lớp 9, lớp tôi có giáo viên chủ nhiệm mới dạy tiếng Anh. Cô là một giáo viên trẻ, mới ra trường và đó là năm đầu tiên cô làm công tác chủ nhiệm. Dù ban đầu, điểm kiểm tra của tôi không cao nhưng cô vẫn luôn đặt niềm tin vào sự cố gắng và dành thời gian chia sẻ với tôi về phương pháp học cũng như những tài liệu hữu ích.
Tôi còn nhớ cô bảo rằng: Mỗi người sẽ có một năng lực đặc biệt riêng, có bạn nổi trội về ngôn ngữ, có bạn có năng khiếu hội họa. Khi có mục tiêu và đã cố gắng hết sức thì dù thành tích thế nào, mình cũng nên tự hào, không chỉ tự hào về kết quả mà về con đường đã đi để hoàn thiện bản thân.
Trên lớp, ngoài việc giảng dạy kiến thức, cô luôn thiết kế các hoạt động trải nghiệm đa dạng, sáng tạo để chúng tôi hiểu và khám phá bản thân. Cô không bỏ ai ở lại mà kiên nhẫn chỉ bảo từng học sinh.
Kết quả là từ một học sinh bình thường, thậm chí hơi yếu kém về tiếng Anh, tôi đã đỗ vào lớp chuyên Anh của THPT chuyên Trần Phú. Điều tôi cảm thấy trân trọng hơn là cô giúp tôi tin tưởng và tập trung vào bản thân nhiều hơn, luôn khiêm tốn, không ngại sai, không ngại khó khăn để bước tiếp...
Lê Thu Trang - đang học bậc thạc sĩ ngành Giáo dục trường đại học Bristol (Anh quốc)
Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi». Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietnamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?". Ban đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected]. Xin cảm ơn! |