|
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân. Nguồn: istockphoto. |
Đây là một đoạn đối thoại mà tôi cũng thường trao đổi với bệnh nhân. Từ khi trở thành bác sĩ, cũng có đôi lúc tôi quả quyết với bệnh nhân rằng: “Anh (chị) sẽ không sao đâu!”
Tuy nhiên, câu nói “Không sao đâu” của bác sĩ đáng tin đến mức nào?
Có thực sự là “không sao” không?
Đây là một chủ đề hết sức khó nói. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được chia sẻ vài lời thật lòng và xin báo trước rằng những điều tôi sắp nói chỉ là ý kiến của riêng tôi mà thôi. Câu nói “Không sao đâu” của các bác sĩ khác chắc chắn mang ý nghĩa khác.
Tôi vẫn cho rằng đa số các bác sĩ đều biết câu “Không sao đâu” có sức mạnh lớn đến mức nào. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ riêng câu nói này đã có thể làm thuyên giảm phần lớn cơn đau của bệnh nhân, giúp họ ngủ ngon và ăn uống ngon miệng hơn tới gần 30%. Cũng vì thế mà tôi cho rằng câu thần chú “Không sao đâu” rất khó sử dụng.
“Bác sĩ ơi, tôi có sao không?”
Các bác sĩ còn thường gặp phải một vấn đề nữa.
Ngay cả các bệnh nhân chỉ bị cảm lạnh nhẹ cũng có nguy cơ tử vong, do bệnh trở nặng chuyển thành viêm cơ tim hay viêm màng não, hoặc các triệu chứng cảm lạnh thực ra lại là dấu hiệu của ung thư giai đoạn cuối... Tất nhiên, đây là những trường hợp rất hiếm gặp, nhưng không phải là không thể xảy ra. Do đó, mỗi khi quả quyết với bệnh nhân rằng “Không sao đâu”, các bác sĩ đều cảm thấy do dự và có lỗi.
Tôi là bác sĩ ngoại khoa chuyên về ung thư đại tràng. Trong đa số các trường hợp, bác sĩ không thể nói với bệnh nhân ung thư rằng “Không sao đâu” được.
Có những trường hợp ung thư đã tới giai đoạn cuối và rất khó để nói họ sẽ “Không sao đâu”, nhưng bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân lại hỏi: “Bác sĩ ơi, có sao không ạ?” Những lúc như vậy, đầu tôi sẽ quay cuồng giữa chuyện “nên nói đúng thực tế” hay “nên cân nhắc diễn đạt sao cho họ an tâm trước rồi sẽ từ từ nói rõ sau”.
Điều này khiến tôi cứ trăn trở mãi. Trước mắt tôi là khuôn mặt đang đăm đăm đầy lo lắng của bệnh nhân. Chỉ cần thái độ của tôi có một chút đáng ngờ thôi họ chắc chắn sẽ nhận ra ngay.
Tôi phải làm sao đây?
Thật ra khi gặp trường hợp quá khó thì tôi sẽ không nói thẳng với bệnh nhân rằng, “Anh (chị) không sao đâu” hay “Anh (chị) không ổn rồi”. Thay vào đó tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho họ biết rằng: “Vẫn cần theo dõi thêm, nên hiện giờ tôi vẫn chưa thể kết luận gì được”. Sau đó, khi không có mặt bệnh nhân, tôi sẽ cùng gia đình bệnh nhân bàn bạc “chiến lược” đầy khó khăn xem nên nói với đương sự thế nào.
Lời nói gây sốc cho bệnh nhân
Vậy nếu bệnh nhân không có người thân thì sao?
Với những bệnh nhân có tiên lượng xấu (khả năng sinh tồn thấp), tôi luôn hỏi trước rằng: “Anh (chị) có muốn nghe về bệnh tình của mình không, bất kể tình hình có tệ đến mức nào?”. Tùy từng bệnh nhân mà câu trả lời sẽ khác nhau, có người nói: “Dĩ nhiên, tôi muốn bác sĩ cho tôi biết càng chính xác và chi tiết càng tốt”, có người lại nói: ”Nếu tình hình không khả quan thì tôi không muốn biết đâu. Xin giao phó hết cho bác sĩ”.
Việc hỏi trước ý kiến của bệnh nhân như vậy bắt nguồn từ một sự kiện.
Chuyện này xảy ra khi tôi vẫn còn ở độ tuổi đôi mươi, vẫn là một bác sĩ “chân ướt chân ráo” vào nghề. Một bệnh nhân ung thư đã hỏi tôi: ”Bác sĩ ơi, liệu tôi còn sống được mấy tháng nữa ạ?” Vì không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình nên tôi đã nói: “À, để tôi hỏi lại bác sĩ phụ trách nhé”, rồi định rời khỏi phòng.
Thế nhưng bệnh nhân đó vẫn hỏi đến cùng. “Không có gì đâu, tôi chỉ muốn hỏi xem theo ý của bác sĩ Nakayama thì tôi còn sống được bao lâu thôi mà”.
Vì thiếu kiên định nên tôi đã lỡ nói cho bệnh nhân đó biết tiên lượng chính xác mà tôi đã nghe được từ cấp trên.
“Tôi e là khó mà qua được một tháng”.
Khi nghe được điều đó, có vẻ bệnh nhân ấy đã bị sốc dữ dội. Từ đó trở đi, nụ cười của bệnh nhân ấy không còn xuất hiện nữa, rồi cứ thế ra đi trong tình trạng mất hết ý chí. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Tôi đã nhận ra có những chuyện dù biết được cũng không giúp chúng ta trở nên hạnh phúc.
Ở thời khắc đó, tôi đã vô tình làm ảnh hưởng xấu tới bệnh nhân.
" alt="Câu nói ‘Không sao đâu!’ của bác sĩ rốt cuộc đáng tin đến mức nào?"/>