|
Ảnh Chụp tại lễ tốt nghiệp ở đại học Stanford ngày 16.6.2013. Từ trái sang: GS Andrew Ng, TS Lê Viết Quốc, ông Lê Viết Ái và bà Tôn Nữ Thị Huệ. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
I. Khi biết tôi sẽ đến thăm đại học Stanford, ở Việt Nam, nhiều người- nhất là dân IT nhắn nhủ, nếu có điều kiện thì nên tìm cách đến thăm các công ty, tập đoàn lớn quanh vùng như Google, Facebook, Intel, VMware… để "cho biết với người ta"!Vừa sang đến Stanford, nhờ người quen giới thiệu, tôi được TS Lê Viết Quốc nhận lời đưa đi thăm công ty Google.
Bản lý lịch tóm tắt của Quốc rất ấn tượng: cựu học sinh Quốc học Huế, du học đại học ở Úc, từng làm nghiên cứu ở Đức; vừa hoàn thành luận án tiến sỹ ở Stanford; đã có 2 năm làm việc ở Google và mới trở thành giáo sư của trường đại học Carnegie Mellon University (CMU), một ngôi trường danh tiếng khác của Mỹ về công nghệ thông tin.
Đúng hẹn, một chiếc Toyota Corolla nhìn đã cũ tiến vào sân khách sạn và một thanh niên nhỏ bé, giản dị quần jean áo pull bước xuống. Câu chào giọng Huế đặc sệt.
Xuống xe, biết đoàn có 5 người mà xe chỉ được chở tối đa là 4 nên Quốc quyết ngay: “chừ phải đi làm hai chuyến, từ đây qua đó cũng nhanh thôi!”
Lên xe, thắc mắc đầu tiên của chúng tôi là với dáng người nhỏ bé, trẻ như vậy, khi giảng trên lớp liệu giáo sư có... run không? Vừa đánh vô lăng Quốc vừa giải thích: “Khi trước chưa quen, nói trước 10 người, 20 người cũng run. Chừ quen rồi, nói trước 1.000 người, 2.000 người cũng bình thường”. Anh giải thích thêm về chức danh giáo sư ở các trường đại học tại Mỹ. Theo đó, sẽ có các cấp với tên gọi assistant professor, associate professor và full professor. Tại CMU (Carnegie Mellon University), anh sẽ bắt đầu công việc giảng dạy của mình là assistant professor.
Quốc ít nói về mình. Trên đoạn đường từ khách sạn đến trụ sở Google ở Mountain View, anh chỉ kể chuyện ở Stanford, người ta dạy sinh viên cái gì, như thế nào.
Còn về quá trình học tập của Quốc, sau buổi gặp đó, vừa hỏi thêm, vừa kết hợp với thông tin từ trang web của đại học Stanford tôi mới tóm tắt được nét chính: tốt nghiệp Quốc học Huế năm 2000, Quốc vào đại học Bách khoa TP.HCM học 1 học kỳ thì nhận được học bổng phát triển của Úc (AusAID). Quốc ra Hà Nội học tiếng Anh 6 tháng thì sang Úc học khoa học máy tính ở ANU (Australian National University) vào năm 2001 để bắt đầu 4 năm đại học. Đến cuối năm thứ nhất đầu năm thứ hai đại học, Quốc tham dự chương trình Distinguished Scholar làm công trình nghiên cứu của ANU liên kết với NICTA (National ICT Australia). Từ giữa năm 2004, Quốc làm việc về machine learning (một chuyên ngành của bộ môn trí tuệ nhân tạo) với GS Alex Smola. Giai đoạn này Quốc cũng đã có một số bài báo được đăng trong các kỷ yếu hội thảo và một số tạp chí chuyên ngành. Đầu năm 2006, Quốc có sang Mỹ cộng tác với một nhóm nghiên cứu ở Microsoft. Năm 2007 Quốc sang Đức làm nghiên cứu với viện Max Planck Biological Cybernetics.
Cùng thời gian đó, Quốc nộp hồ sơ làm tiến sĩ ở Stanford và được chấp nhận. Quốc đến Stanford làm việc về machine learning dưới sự hướng dẫn của GS Andrew Ng. Trong thời gian nghiên cứu ở Stanfrod, từ hai năm nay, Google có lời mời cộng tác nên Quốc đến làm việc ở đây cùng nhóm với GS Andrew Ng.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào đầu năm 2013, Quốc bắt đầu nộp đơn làm giáo sư ở các trường đại học của Mỹ để theo đuổi các nghiên cứu của mình. Cuối cùng, Quốc được chấp nhận và chọn CMU là nơi làm việc sắp tới.
Theo Quốc thì các trường đại học sẽ duyệt hồ sơ cá nhân kèm theo thư giới thiệu, ý tưởng nghiên cứu, ý tưởng dạy học. Sau khi duyệt là phỏng vấn. Trong các buổi phỏng vấn, ứng viên phải trình bày hướng nghiên cứu và trả lời các câu hỏi liên quan đến nghiên cứu và dạy học.
Quốc kết luận, “đó là một quá trình vất vả”!
Đến Google, trong lúc vừa đi dạo tham quan văn phòng, cảnh quan... Quốc vừa giới thiệu về Google. Tôi trình bày rằng nói đến Google, tôi chỉ nghĩ đến… chức năng tìm kiếm trong khi quan sát thực tế, tôi không rõ cảm nhận của về Google là một trường học, một viện nghiên cứu hay là một doanh nghiệp, một tập đoàn? Quốc nói ngắn gọn: “Google không chỉ là tìm kiếm. Ở Google, người ta luôn muốn tập hợp những người hàng đầu”.
Về công trình của nhóm các GS và nghiên cứu sinh thuộc đại học Stanford làm việc ở Google mà Quốc đang tham gia, anh giới thiệu đơn giản là “mô phỏng não người”. Đó là nghiên cứu về mạng neuron, tìm cách dùng nhiều máy tính chạy cùng một lúc, tạo ra bộ não để có thể nhận biết các vật thể.
Nghiên cứu này được giới thiệu trên New York Timestrong bài “Bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo? 16.000” (tạm dịch từ nguyên văn"How many computers to identify a cat? 16,000") xuất bản ngày 25.6.2012. Theo đó, trong công trình này, “các nhà khoa học của Google đã tạo ra một trong những mạng thần kinh lớn nhất bằng cách nối 16.000 bộ vi xử lý máy tính với nhau bằng một tỉ kết nối. Sau đó, bộ não nhân tạo này được cung cấp 10 triệu ảnh thumbnail chọn ngẫu nhiên trên youtube. Tiếp theo, bộ não được giới thiệu 20.000 vật thể khác nhau và nó bắt đầu nhận ra hình ảnh con mèo bằng cách sử dụng những thuật toán chuyên sâu. Những bộ vi xử lý này kết nối lỏng trên internet để tự học và sau đó tự nhận ra đâu là hình ảnh một con mèo cho dù không hề được “dạy” rằng một con mèo trông như thế nào. Thuật toán này có thể nhận diện những vật thể phổ biến trên youtube như người, vật nuôi, xe cộ… với độ chính xác cao. Trong khi nhiều công nghệ tự nhận thức khác đều có con người đứng sau giám sát quá trình tự học và phải giúp máy tính xác định trước các vật thể thì công nghệ mà Google thí nghiệm không có sự giúp đỡ này”.
Theo TS Lê Viết Quốc, đây là một bước tiến trong trí tuệ nhân tạo vì nhận dạng vật thể trong những bức hình từ lâu đã được coi là một vấn đề rất khó khăn.
Bài báo trên New York Timesnhận định nghiên cứu này dẫn đến sự phát triển quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo những chiếc máy có khả năng nhận thức, quan sát, máy hiểu tiếng nói, hay các bộ máy chuyển ngữ, dịch thuật.
II. Hai ngày sau buổi thăm Google,chúng tôi được Quốc mời tham dự bữa cơm với ông bà Lê Viết Ái, Tôn Nữ Thị Huệ là ba mẹ của Quốc vừa từ Việt Nam sang dự buổi lễ tốt nghiệp năm 2013 ở Stanford. Quốc chọn một quán ăn nhỏ trên đường California gần đại học Stanford.
Gặp nhau, khi một người trong đoàn tự giới thiệu là đồng hương ở Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế, ông Lê Viết Ái ngạc nhiên làm quen bằng chất giọng đặc Huế: “Nhà tôi cũng ở Hương Thủy, ngay phường Thủy Dương".
Ông kể, suốt những năm học phổ thông cấp 3, Quốc vẫn hàng ngày đạp xe từ Thủy Dương đến Huế. Rồi Quốc ra nước ngoài du học, thỉnh thoảng vài ba năm cũng có lần về thăm nhà chừng mươi ngày lại đi. Thấm thoắt 13 năm trôi qua, chàng trai sinh năm 1982 nay đã là tiến sĩ, giáo sư của một trường đại học ở Mỹ. Nhưng đây mới là lần đầu tiên ông bà Lê Viết Ái, Tôn Nữ Thị Huệ biết đến môi trường học tập sinh sống của con ở nước ngoài.
Câu chuyện nhắc nhiều đến việc học hành, hội nhập của cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ. Quốc kể về lần đến một trường đại học giảng dạy, tập thể sinh viên Việt Nam ngạc nhiên với vị giáo sư thế hệ 8X người Việt. Sau buổi giảng, họ tập hợp lại, nấu một bữa ăn thuần túy Việt Nam mời giáo sư. “Những lần đi dạy như vậy thật vui”, Quốc nói.
Quốc cho biết, sau hè năm 2013, anh sẽ có buổi lên lớp đầu tiên ở CMU trong môn trí tuệ nhân tạo.
Trở lại câu chuyện lên lớp giảng bài, mọi người cười đùa là vị giáo sư trẻ bước vào lớp, có khi sinh viên lại không nghĩ anh là giáo sư. Có lẽ Lê Viết Quốc đã từng gặp những tình huống như vậy. Vị tiến sĩ 31 tuổi hóm hỉnh trào lộng như tự phê bình: "Người làm nghiên cứu nghĩ thân hình của mình chỉ có nhiệm vụ là mang cái đầu từ chỗ này sang chỗ khác để nói ra cho người ta nghe cái mà mình đang nghĩ", rồi nói tiếp: "Ở đây người ta tôn trọng mình lắm. Người mình to hay nhỏ, già hay trẻ đâu có sao. Quan trọng là mình nói cái chi, giảng cái chi. Người làm nghiên cứu thường coi cái đầu là đáng kể nhất chứ chi nữa!"
Theo Hy Hưng(Sài Gòn Tiếp Thi)
" alt="Giọng Huế ở Stanford"/>