Việt Nam luôn chủ động và chưa bao giờ hốt hoảng
Hiện nay số ca mắc Covid-19 của Việt Nam đứng thứ 103 trên thế giới và chưa ghi nhận ca tử vong. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là "con số biết nói, thể hiện công tác phòng chống dịch của Việt Nam hiệu quả".
"Sau hơn 3 tháng dịch Covid-19 vào Việt Nam, ban chỉ đạo chưa bao giờ bị động. Chúng ta luôn luôn lường trước tình huống xấu hơn để không xấu đi, xấu nhất để nó không diễn ra.
Từng tuần, từng ngày, từng phút, chúng ta chưa bao giờ hốt hoảng vì tất cả tình huống đều đã được dự báo. Số nhiễm bệnh từ trước đến giờ đều thấp hơn so với dự báo của ban chỉ đạo. Chúng ta dự báo rất đúng quy luật, kết quả chúng ta đạt được tốt hơn.
Chúng ta làm sớm hơn và cao hơn kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và các nước", Phó Thủ tướng phát biểu.
Để dịch được kiểm soát tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu Việt Nam cần kiên định thực hiện 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là cả quá trình đúc kết từ những lần chống dịch trước đó của cả thế giới cũng như của Việt Nam.
Cuộc cách mạng về công nghệ của ngành y tế trong đại dịch
Khoa học công nghệ mới đã được áp dụng vào phòng chống dịch Covid-19. Hiện Việt Nam có 110 phòng xét nghiệm sàng lọc, trong đó 32 phòng xét nghiệm khẳng định. Ngay khi phát hiện ca bệnh, địa phương sẽ lập tức được thông báo để triển khai ngay các biện pháp phòng dịch. Các trang thiết bị phòng hộ, máy thở được đầu tư để tăng sự chủ động.
Công nghệ thông tin đã giúp truy vết những người nhiễm, nghi nhiễm, người đi máy bay, khách du lịch, trong đó có một số người không có số điện thoại liên lạc. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt cảm động trước một lực lượng tình nguyện viên, âm thầm lặng lẽ giúp công tác phòng chống dịch. Đầu tiên, họ giúp truy vết các chuyến bay, hình thành lên một cơ chế, cứ có một ca nhiễm mới là chúng ta tìm ngay được các F1-2-3. Lúc đầu, để truy vết một ca nhiễm sau chuyến bay, phải mất 5 ngày nhưng hiện tại, chúng ta chỉ mất một vài tiếng. Đây là ưu điểm đặc sắc trong phòng chống dịch của Việt Nam”.
Công khai, minh bạch thông tin tới người dân
Bộ Y tế kết hợp chặt chẽ với báo chí cung cấp kịp thời các thông tin về dịch bệnh tới người dân. Hàng ngày, Tiểu ban truyền thông 1 ngày cung cấp thông tin 2 lần về các ca bệnh cho gần 300 cơ quan báo chí. Với các ca phức tạp, Bộ Y tế đều ra thông báo khẩn.
Trên các kênh báo chí của Việt Nam thời gian này, lượng người đọc tăng mạnh, mỗi ngày có 20 đến 30 triệu lượt người đọc.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, cho biết: “Trong dịch Covid-19, niềm tin của người dân với báo chí tăng cao hơn rất nhiều khi cung cấp những thông tin có chứng thực, vì lợi ích cộng đồng. Chỉ trong các tình huống đặc biệt, nhất là khi có khó khăn, các giá trị đích thực mới được nhìn thấy”.
Hiện nay, Ban Tuyên giáo – Bộ Thông tin Truyền thông đang chỉ đạo báo chí điều chỉnh tỷ trọng các loại tin tức để cung cấp thông tin về các lĩnh vực khác; thêm các bài sâu hơn về phòng chống dịch, cách sống trong thời dịch, cứu trợ của Chính phủ, phục hồi kinh tế.
Trong giai đoạn này, các cơ quan truyền thông gặp nhiều khó khăn do sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo. Bộ Thông tin Truyền thông báo cáo Chính phủ tăng ngân sách, miễn giảm thuế cho báo chí. Bộ đã có công văn gửi các đơn vị chủ quản tăng ngân sách cho báo chí. Kênh truyền và máy chủ của cơ quan truyền thông sẽ được miễn phí, các phóng viên được hưởng chế độ đặc thù. Bộ Thông tin Truyền thông sẽ hỗ trợ trực tiếp 3 tỷ đồng cho các phóng viên.
Minh Anh
" alt="‘Dịch Covid" width="90" height="59"/>