ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. |
Chia sẻ bức xúc khi danh tính một phần của một loạt thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới được công bố, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi:
Vì sao người ta lại nâng điểm cho con cháu các lãnh đạo, cho quan đầu tỉnh? Nâng cho giám đốc nọ, PGĐ kia, cho Cục trưởng nọ, Chi cục trưởng kia rồi cán bộ công an đến cán bộ kiểm lâm, trong đó có cả con cháu nhà giáo, quản lý giáo dục…; mà không nâng điểm cho con em đồng bào bà con dân tộc, người nghèo, vùng sâu vùng xa- những người mà cần có sự ưu tiên trong việc học hành, cần giúp đỡ để nâng cao trình độ, cải thiện dân trí?
Nếu chúng ta không công khai danh tính họ, chúng ta làm sao hiểu được nguyên nhân, động cơ, mục đích của nâng điểm là gì?
Ở đây có ba vấn đề: Thứ nhất là sử dụng quyền lực để nâng điểm; thứ hai là sử dụng mối quan hệ để nâng điểm, kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”; thứ ba là dùng tiền để mua điểm.
Rõ ràng ở đây xuất hiện các mối quan hệ chằng chịt, rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải xử lý. Điều đáng lưu ý, câu chuyện này (nâng/mua điểm) không phải là việc riêng của ba tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình) nữa, mà là câu chuyện mang tính hệ thống.
“Một tỉnh cũng có tính hệ thống mà trong toàn quốc cũng có tính hệ thống. Có thể chưa phát hiện ra chỗ khác, hoặc chỗ khác đã làm (nâng/mua điểm) nhưng chưa phát hiện được. Hoặc chỗ khác chuẩn bị cũng làm thì sao? Như vậy, bộ mặt của hệ thống giáo dục chúng ta đang khủng hoảng trầm trọng;
Khủng hoảng thứ nhất là khủng hoảng về quản lý. Khủng hoảng thứ hai là xử lý các tình huống; và khủng hoảng thứ ba là về niềm tin. Bây giờ lấy lại niềm tin là cái khó nhất”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, có ý kiến cho rằng cũng khó trách những cán bộ khi có tiền, có quyền, có điều kiện lo được cho con học ở trường tốt sẽ là bệ phóng cho sự nghiệp của con cái sau này nên chẳng tội gì không làm. Nguyên nhân của tình trạng này có một phần lỗi từ xã hội, khi quá đề cao bằng cấp và dung dưỡng cho những điều giả dối?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Câu chuyện tiền hay quyền, hay quan hệ chỉ là một vấn đề. Những điều đó đều có thừa, quyền có quá thừa, tiền cũng có quá nhiều tiền, thân hữu cũng quá thân hữu… Thậm chí họ đã sử dụng cả thân hữu vào việc xấu, mà người ta (cha mẹ các thí sinh chạy điểm cho con em mình-PV) chỉ thiếu mỗi thứ: Đó là thiếu đạo đức, liêm sỉ của cán bộ.
“Liêm chính của cán bộ hiện nay thiếu trầm trọng. Vì thiếu điều đó nên họ mới thực hiện (mua/chạy điểm). Nếu họ có chút liêm sỉ, liêm chính thì tất cả tiền bạc, quyền lực cũng không có giá trị.
Vì cán bộ thiếu liêm sỉ, thiếu liêm chính, thiếu đạo đức chỉ bo bo lo cho gia đình, con cái, những người thân, quyền lực của bản thân; lo chỗ ngồi, sự tiến thân của họ thì dẫn đến việc không lo cho người khác”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội cũng chia sẻ thêm: Đồng tiền rất bé, chỉ bằng bàn tay thôi. Tờ quyết định nâng lương, nâng chức cũng chỉ bằng khổ A4 thôi. Dù rất mỏng nhưng che được toàn bộ nhân cách của con người.
“Đây là câu chuyện mà nhân dân, cử tri rất đau đớn khi một bộ phận cán bộ công chức đổ toàn bộ những thứ rác rưởi của quyền lực, thói hư tật xấu… phủ lên toàn bộ ngọn núi đạo đức”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng bức xúc.
Vì thế, ông Nhưỡng cho rằng, cần phải công khai danh tính thí sinh, bố mẹ trong vụ gian lận thi cử. Bởi, việc không công khai danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng. Thậm chí là vi hiến.
Giải thích thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Bây giờ, vấn đề giáo dục, y tế và những vấn đề về mặt an sinh là các vấn đề xã hội. Do vậy, cần tăng cường tính công khai minh bạch. Điều này đã được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng. Quy định trong Hiến pháp và các luật khác để bảo đảm quyền quản lý của nhà nước, quyền công dân cũng nêu rõ, vấn đề như thế (công bố danh tính-PV) cần phải được công khai”.
N. Huyền" alt="Cán bộ nâng điểm cho con không thiếu gì, chỉ thiếu đạo đức, liêm sỉ" width="90" height="59"/>