Các nhà mạng đã thực hiện việc dừng toàn bộ hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức online. Nhà mạng lớn đề xuất cho đăng ký online, nhưng có kiểm soát
Mới đây Bộ TT&TT đề nghị các nhà mạng có biện pháp mạnh nhằm xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác. Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, các nhà mạng khẳng định đã tuân thủ trong việc ngừng phát triển thuê bao tại hệ thống kênh đại lý. Bên cạnh đó, các nhà mạng đã thực hiện việc dừng toàn bộ các hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức online.
Theo khảo sát của VietNamNet, với những động thái quyết liệt của Bộ TT&TT và các nhà mạng, thị trường đã có những thay đổi mạnh mẽ. Số đại lý bán SIM kích hoạt sẵn đã giảm rất mạnh.
Nếu như trước đây, khách hàng có thể vào bất cứ đại lý nào có thể mua SIM kích hoạt sẵn thì giờ đây nhiều đại lý đã không còn bán SIM này nữa. Đặc biệt, tâm lý người dùng cũng đã thay đổi và họ chuyển sang sử dụng căn cước công dân để đăng ký SIM của mình. Tuy nhiên, với những biện pháp tức thời để “cắt” nhanh căn bệnh SIM rác đang gây nhiều hệ lụy xã hội thì bài toán quản lý dài hơi cũng cần tính đến để vừa tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển thuê bao, vừa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ.
Theo thống kê hiện vẫn còn cả chục triệu SIM nằm trên kênh phân phối và các đại lý rất có thể sẽ tìm cơ hội nào đó để "bơm" SIM rác ra ngoài thị trường gây nhiễu loạn xã hội. Vì vậy, việc siết chặt các biện pháp quản lý là cần thiết để bắt buộc các SIM này phải có thông tin người thật, sử dụng thật.
Chia sẻ với VietNamNetvề vấn đề này, đại diện Viettel Telecom cho rằng có thể cho các nhà mạng sử dụng hình thức đăng ký thuê bao online. Tuy nhiên, các nhà mạng phải đảm bảo những điều kiện như phải kết nối để đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư cùa Bộ Công an khi khách hàng đăng ký thuê bao mới. Bên cạnh đó, nhà mạng phải sử dụng giải pháp eKYC để xác thực người dùng. Nếu cần thiết, Bộ TT&TT có thể yêu cầu nhà mạng phải tiến hành thêm bước nữa là sử dụng video call để kiểm tra có đúng người chính chủ đăng ký SIM hay không.
“Nếu các nhà mạng tiến hành 3 bước trên sẽ đảm bảo được người dùng đăng ký SIM chính chủ có kiểm soát chặt chẽ, tránh được tình trạng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký SIM như đã xảy ra trong thời gian vừa qua”, đại diện Viettel Telecom nói.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cũng khẳng định, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nên việc sử dụng hình thức cho khách hàng đăng ký thông tin cá nhân online khi kích hoạt thuê bao mới là xu hướng đang diễn ra trên thế giới. Các dịch vụ như đăng ký ví điện tử, cấp đổi hộ chiếu... cũng đã được thực hiện qua hình thức online.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện VinaPhone cũng khẳng định, nếu hình thức đăng ký thông tin cá nhân online cho thuê bao kích hoạt mới đảm bảo 3 yếu tố là kết nối đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, có eKYC để xác thực và sử dụng videocall để kiểm tra sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn cả hình thức đến cửa hàng của nhà mạng đăng ký như hiện nay.
Qua hình thức đăng ký online, khách hàng có thể mua SIM ở bất kỳ đâu như qua các đại lý, qua nền tảng thương mại điện tử... Tuy nhiên, để tránh việc có thể có cá nhân lợi dụng hình thức này để bán ra ngoài thị trường thì Bộ TT&TT có thể hạn chế cho mỗi người có căn cước công dân chỉ được đăng ký không quá 3 SIM qua hình thức online.
“Việc lợi dụng hình thức đăng ký online để bán SIM rác có thể xảy ra. Nhưng với việc siết số lượng SIM được kích hoạt qua hình thức online sẽ giải được bài toán này, bởi các đại lý muốn có nguồn hàng thì 1 căn cước công dân họ phải kích hoạt cả trăm đến cả nghìn SIM mới bõ công làm. Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin người đăng ký được đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư, videocall, xác thực eKYC là sở cứ vững chắc để có thể xử lý người đăng ký thuê bao nếu SIM được dùng vào việc phi pháp”, đại diện VinaPhone nói.
Nhà mạng ảo chờ kênh đăng ký online
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, 3 nhà mạng ảo là ITEL, ASIM, VNSKY khẳng định họ đã tuân thủ các yêu cầu của Bộ TT&TT để giải quyết vấn nạn SIM rác. Tuy nhiên, việc thực thi này cũng dẫn đến một thực tế là các mạng ảo không còn bất kỳ kênh nào để phát triển thuê bao do đã ngừng việc hợp tác phát triển thuê bao qua kênh đại lý và dừng kênh đăng ký online.
Thêm vào đó, ngay sau khi Bộ TT&TT đưa ra danh sách các chuỗi phân phối uy tín, các chuỗi phân phối này đã nâng giá hoa hồng phát triển thuê bao, thậm chí có chuỗi đã tăng giá tới 3 lần.
Các mạng di động ảo cho rằng, kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ qua hình thức trực tuyến đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, là xu thế chuyển đổi số sâu rộng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của xã hội. Với khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm các khâu trung gian, việc phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến rất phù hợp với mục tiêu tối ưu hóa chi phí mà các nhà mạng ảo theo đuổi.
Trước những khó khăn kể trên, 4 nhà mạng ảo đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét cho phép tất cả các nhà mạng được thử nghiệm việc triển khai phát triển thuê bao, cung cấp dịch vụ viễn thông qua hình thức trực tuyến trên nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối các quy định về quản lý thông tin thuê bao.
Đại diện ITEL cho rằng nếu cho phép các nhà mạng được thử nghiệm đăng ký thông tin cá nhân theo hình thức online kèm điều kiện có kiểm soát chặt chẽ như phải có kết nối và đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, có eKYC và videocall để xác thực người dùng, kèm thêm điều kiện không cho đăng ký quá 3 SIM/căn cước công dân, sẽ kiểm soát chặt chẽ việc SIM rác bung ra thị trường như trước đây.
“Chúng tôi cũng đã tính toán đến yếu tố số lượng SIM đăng ký qua hình thức online, nếu chỉ cho đăng ký 1 SIM thì hơi cực đoan. Vì vậy, số lượng 3 SIM như đề xuất của VinaPhone là hợp lý cho cả nhà mạng và người dùng”, đại diện ITEL nói.
Đại diện ASIM cũng khẳng định các điều kiện cho thí điểm đăng ký online có kiểm soát như trên là cần thiết, nhưng cũng tránh gây phiền hà cho khách hàng nếu đưa ra quy định bắt buộc phải dùng videocall tới 2 lần.
Đồng tình với quan điểm trên của các nhà mạng, đại diện VNSKY khẳng định họ đã tuân thủ các yêu cầu cầu của Bộ TT&TT để giải quyết vấn nạn SIM rác. Tuy nhiên, hiện các nhà mạng ảo đang ở tình thế cực kỳ khó khăn và gần như đóng băng các hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, giải pháp cho các nhà mạng thí điểm được đăng ký thông tin cá nhân online là giải pháp cần được xem xét sớm, giúp cho các nhà mạng và khách hàng thuận lợi hơn.
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ hình thức đăng ký online. Tuy nhiên, Bộ TT&TT sẽ làm việc với các nhà mạng để bàn cách đưa ra các biện pháp, tránh tình trạng lợi dụng để hợp thức hóa và "bơm" thêm SIM rác ra ngoài thị trường gây ảnh hưởng đến xã hội”.
" alt=""/>Nhà mạng muốn mở lối cho khách hàng đăng ký thông tin thuê bao online