Truyện Ngọc Xuân Lâu
Mà năm này, cũng vừa đúng chấm dứt ba năm loạn thế giằng co. Nguyên Khang đế vốn là thái tử Triệu Khám trước đây, chỉ sau ba năm ngồi trên ngai vàng đã vội vã tháo chạy khỏi đế đô Kim Lăng, sau đó không rõ tung tích. Bình vương Triệu Cư đăng cơ, quốc thể đại định. Một đời vua một đời thần. Tân đế vừa mới đăng cơ, đương nhiên một bên trấn áp thế lực phản nghịch trong triều còn sót lại, một bên luận công ban thưởng soi sáng hoàng ân. Trưởng tôn Từ Nhược Lân của phủ Ngụy quốc công, trước giờ vốn là tâm phúc của Triệu Cư. Trong quá khứ ba năm chiến sự với Nguyên Khang đế, y đã lập được không ít công lao hãn mã, ngày nay hiển nhiên là quyền thế hơn người. Y chẳng những được thụ phong tước nhất đẳng trung dũng bá, còn kèm thêm chức nhất phẩm thái tử thái bảo. Chưa đầy ba mươi tuổi, y đã được đề cử vào nội các, cùng các đại thần tư lịch hơn người, trọng thần nòng cốt của triều đình bàn bạc triều chính, trở thành đại thần trẻ tuổi nhất nhập chủ nội các trong hơn một trăm năm trở lại nay của Đại Sở.
Từ Nhược Lân quyền thế hơn người, nên phủ Ngụy quốc công vốn đã suy vi trong thời loạn vì bị Nguyên Khang đế ghét bỏ tự nhiên cũng nước lên thì thuyền lên, nhảy vọt trở thành hào môn thế gia hưng thịnh nhất đế đô Kim Lăng hiện giờ, trăm năm thế gia, lại huy sinh hoa đường, quế khai nguyệt điện (*), phồn thịnh quang vinh kể đâu cho hết. Hôm nay, ngày đại thọ bảy mươi Tư quốc thái, chẳng những con cháu Từ gia tề tụ, ngay cả trong cung cũng ban thưởng cho một đôi kim lan như ý nạm vàng cùng một đôi hạ liễn do chính hoàng đế ngự bút. Từ gia cho mời những người thợ lành nghề nhất, dùng gỗ trầm hương lâu năm chạm trổ thành bức hoành phi thẳng đứng, phủ một lớp sơn nhủ vàng, hiện đang treo cao cao hai bên trái phải phía trên hai cây cột lớn trong thọ phòng. Trái đề “Nhật nguyệt song huy duy nhân giả thọ”, phải đáp “Âm dương hợp đức thực xưa nay hi”, hoành phi “Vụ túc đằng huy”. Tân khách lui tới đều tất cung tất kính tán thưởng một phen, thật sự không sao tả xiết phú quý vinh hoa, khí thế bừng bừng.
(*) 辉生华堂,桂开月殿: huy sinh hoa đường, quế khai nguyệt điện (trong nhà bừng lên ánh sáng rực rỡ, hoa nguyệt quế nở trong điện) chỉ sự may mắn, vinh hoa phú quý, điềm tốt lành…
Tư Sơ Niệm giờ phút này chỉ đứng lặng yên tại vị trí của nàng, theo dòng người tiến về phía Tư Quốc thái người đang ngồi uy nghi chính giữa hoa đường, để hành lễ mừng thọ.
Cả hoa đường rực rỡ ánh nến, bình phong tơ lụa, nam đông nữ tây, đều theo trật tự tôn ti lớn nhỏ mà xếp hàng. Mọi người nghe xướng lễ đồng loạt quỳ xuống, khiến cho hoa đường vốn được cơi nới từ năm gian đại sảnh, ba gian mái hiên, thềm trong thềm ngoài, đều đứng đầy người đăng đăng không một tấc trống.
Chỗ Sơ Niệm đứng đúng là ngay sát phía trên, vị trí trung tâm gần bên cạnh Tư quốc thái, chỉ cách sau mẹ chồng của nàng – hiện giờ là đại quốc công phu nhân đời thứ tám Liêu thị, nên có thể thấy được nàng ở quốc công phủ cũng có địa vị hơn người.
Kể ra thì rất đơn giản, nàng kỳ thật chính là cháu dâu đích tôn của thế gia hào môn này. Nói cách khác, nếu nàng mệnh tốt, mệnh cũng đủ dài, có một ngày, nàng sẽ trở thành đại quốc công phu nhân đời thứ chín, giống như bà cô Tư quốc thái của nàng bây giờ vậy, nhận quỳ lạy của đám con cháu tôn tử —— Nhưng sự thật là, từ năm nàng mười lăm tuổi, nửa tháng sau khi bước chân vào quốc công phủ thì con trai trưởng Từ gia – con ma ốm – Từ Bang Đạt – trượng phu của nàng, đã chết. Nay nàng chỉ mới mười tám tuổi đã bị vây giữa chốn tường cao này, nghe theo lời đại phòng nhận Từ Thuyên làm con thừa tự, làm quả phụ trẻ thủ tiết suốt ba năm.
Đa số thời điểm, Sơ Niệm cảm thấy chính mình kỳ thật chỉ là một cái bài vị sống thay trượng phu nàng trong Quốc công phủ. Khi nào cần nàng thì cháu dâu đức tôn này sẽ xuất hiện, nàng sẽ bị đưa ra triển lãm cho mọi người xem, để họ biết rằng cháu đích tôn của Từ gia mặc dù đã mất, nhưng vẫn còn nàng – người chưa mất này sẽ vĩnh viễn dùng một loại thái độ cung kính, nhún nhường mà cam tâm này, tồn tại vì Từ gia, vì người quá cố mà chống đỡ như một bảng hiệu sống, cho hắn mãi mãi hưởng thụ tế bái cùng hương khói đến từ chính nhân gian này.
Sơ Niệm đứng dậy sau ba lần quỳ lạy, hơi hơi giương mắt, nhìn về dáng người đứng hàng đầu đang dẫn dắt những người phía sau hành lễ. Đó là cha chồng của nàng, Đại Ngụy quốc công đời thứ tám – Từ Diệu Tổ. Nhưng vào trường hợp như ngày hôm nay, ông lại mặc một thân áo choàng đen thêu chỉ vàng, đầu đội mão đạo sĩ, cùng với chiếc trường bào tím đỏ, kết hợp lại, dường như cực kỳ quái dị. Nhưng chẳng có ai quay đầu ghé mắt nhìn ông, chỉ tập trung vào mẫu thân của ông là Tư quốc thái. Ai ai đều biết, Từ Diệu Tổ thời tuổi trẻ cũng mặc giáp trụ chiến bào thay Đại Sở nam chinh bắc chiến, được xưng là Ngọc Diện tướng quân, từng lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhưng khi tới tuổi trung niên, bỗng nhiên ông lại bắt đầu luyện đan tu tiên. Mười mấy năm gần đây lại càng trầm mê vào đó, không thể rứt ra, còn lấy hiệu là Vô Lượng chân nhân, hàng năm tại vị bế quan tu hành trong Huyền Diệu Quán ở núi Nam. Nếu không có chuyện đại sự long trọng như hôm nay, thì đừng mơ tưởng đến chuyện thấy bóng dáng ông xuất hiện trong quốc công phủ.
Giọng trầm bỗng du dương của quan ti lễ còn tại bên tai, ánh mắt Sơ Niệm rời khỏi cha chồng của nàng, từ từ dời xuống lưng một nam nhân khác đứng sau ông. Đôi mắt đẹp vốn dĩ trong suốt bỗng dưng bao phủ một tầng bóng tối, khóe môi hơi mím chặt, vẻ mặt lại lạnh lùng.
Mặc chính phục bằng lụa xanh ngọc, thắt lưng đeo miếng ngọc đời Lương chỉ có trong bảo khố, dáng người cao ngất thẳng tắp, khổng vũ hữu lực (có sức có lực), xem ra đang lúc tráng niên. Không phải ai khác, chính là con trai cả – Từ Nhược Lân của Đại Ngụy quốc công đời thứ tám Từ Diệu Tổ. Thế lực Từ gia, trong lúc hoàng quyền thay đổi chẳng những không bị tước phế, ngược lại còn cao hơn một tầng, chính là nhờ vinh quang của vị trưởng tôn này.
Từ Nhược Lân so với Sơ Niệm thì lớn hơn mười hai tuổi. Sơ Niệm xưng hô với y, hẳn phải là đại bá (anh chồng). Chẳng qua, y không phải do Quốc công phu nhân Liêu thị sinh ra, khi lên bảy tuổi mới được phụ thân mang về Quốc công phủ, mẹ đẻ của y thậm chí ngay cả cái thiếp thất cũng không bằng. Cho nên nghiêm khắc mà nói, thì địa vị của y chẳng bằng con vợ kế, đây chính là lí do vì sao những cháu trai đồng lứa của Từ gia đều lót chữ “Bang” làm tên đệm, chỉ mình y là ngoại lệ, tên là Nhược Lân. Mà hôm nay, sở dĩ y có thể tách khỏi mọi người đứng sau Từ Diệu Tổ, cũng bởi vì tại đây, trong thời đại tân hoàng quyền, gia tộc họ Từ cần đến gương mặt mà cả dòng tộc từng không dung đó, thậm chí khi một ai đó nhắc tới tên y thôi cũng khiến cho mọi hơi thở phải đè nén, ai cũng nhìn theo ánh mắt y mà hành động.
Cái gọi là lễ nghĩa liêm sỉ, kỳ thật chỉ như cái khố mà thôi. Khi cần thì treo, khi không cần thì, ngay cả miếng giấy chùi đít cũng không bằng.
Suốt ba năm sống góa bụa trong Quốc công phủ, Sơ Niệm đối với những chuyện này sớm đã lĩnh ngộ sâu sắc. Khóe môi mím chặt, nàng nhanh chóng thu hồi ánh mắt, bộ dạng phục tùng thu liễm, mắt nhìn chăm chú vào mẹ chồng – Liêu thị đang đứng trước người. Bà ấy mặc một bộ váy gấm vàng nhạt, sau lưng chi chít những hoa văn tối màu vốn là những chữ vạn được thêu nối tiếp bằng chỉ màu xanh đen, nhìn lâu, cũng có chút hoa mắt, nhưng nàng vẫn không dám ngước mắt nhìn lên.
Nàng có cảm giác, Từ Nhược Lân từ lúc bước vào gian hoa đường này, tầm mắt của y như có như không mấy lần vô tình xẹt qua chính mình, thậm chí còn có chút trắng trợn không kiêng dè gì. Nàng đương nhiên hiểu được trong ánh mắt y có ẩn ý gì, nhưng trước sau vẫn nghiêm mặt trơ ra không biểu cảm gì, trong ánh mắt còn lạnh lùng và trầm tĩnh hơn —— đây là dáng vẻ mà nàng nên có. Về điểm này, trong ba năm nay, đa số thời gian, nàng, người-chưa-mất trong Quốc công phủ này vẫn làm rất tốt.
~~~~~ ~~~~~
Nghi lễ chúc thọ dài dòng rốt cuộc cũng gần kết thúc. Sau khi mọi người quỳ lạy một lần cuối cùng, đứng dậy trong tiếng đạp giày xột xoạt, cùng nhìn về phía Tư quốc thái lúc này đang ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế gỗ đàn hương, nín thở chờ bà lên tiếng. Tiếng nhạc dừng lại, cả hoa đường đứng đầy chật người như vậy, giờ phút này lại yên tĩnh không một tiếng động, ngay cả một tiếng ho khan cũng không có.
Tư quốc thái năm nay bảy mươi, tóc trắng như tuyết, tướng mạo tròn tròn phúc hậu, sắc mặt cũng hồng nhuận. Lúc này, bà đảo mắt liếc qua một đám con cháu trong dòng tộc đang chen chúc xếp hàng trước mặt, thoáng gật đầu xong, bà cất lời nói: “Ngụy quốc công phủ, từ đời thứ nhất năm Tín Đức vương, truyền thừa cho đến hôm nay, đã là tám đời. Nhân sinh thất thập cổ lai hy, may nhờ phước đức của tổ tiên, ta sống đến ngày nay, có thể nhìn đến quốc công phủ lại được ban phát thánh ân, con cháu cũng có tiền đồ bất phàm, hôm nay còn có thể tề tụ xum họp như vậy, trong lòng tự nhiên cảm thấy an ủi vô cùng. Cách đối nhân xử thế của Tổ tiên ông bà cha mẹ như thế nào, cũng đều phải nghĩ cho con cháu. Hôm nay ta cũng không nói nhiều, chỉ mong các ngươi đều có thể nhớ kỹ lời dạy của tổ tiên Từ gia, thành người tài năng hiền đức, phải biết làm người con tận hiếu đạo, không chỉ phụng dưỡng áo cơm, mà còn phải giữ gìn thiện tâm, hành xử hợp đạo lý, như thế mới là người con hiếu thực sự. Càng phải ghi nhớ không được kiêu căng mà gây họa, không làm bôi nhọ danh dự của gia đình.”