So với các khu vực khác, châu Á được đánh giá là có mức độ thông thạo tiếng Anh đa dạng nhất, từ Singapore đạt mức “rất cao”, Philippines được đánh giá là “cao”, Malaysia “trung bình”, đến Indonesia ở mức “thấp” và Thái Lan là “rất thấp”.Bất chấp những nỗ lực lâu dài và nhiều biện pháp, chính sách nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, Thái Lan vẫn đối mặt với những thách thức văn hóa và hệ thống cản trở hiệu quả thực thi của các chính sách này.
Dù nền kinh tế top đầu châu Á nhưng trình độ tiếng Anh của Thái Lan lại đứng top cuối thế giới. Ảnh: The Nation.
‘Chất Thái’ và văn hóa ‘biết mình ở đâu’
Thách thức của việc dạy và học tiếng Anh trong thời hiện đại khởi nguồn từ những yếu tố lịch sử và văn hóa. Trong thời kỳ trị vì của Vua Rama V (1868-1910), những lo ngại mới xuất hiện liên quan đến việc duy trì một cấu trúc xã hội quân chủ chuyên chế.
Vua Rama V tập trung vào khái niệm "chất Thái" (Thainess) và “biết mình ở đâu” (Know-thy-place).
“Chất Thái” thể hiện bản sắc văn hóa, lòng tự hào dân tộc và cấu trúc xã hội của Thái Lan. Điều này bao gồm việc bảo tồn các giá trị truyền thống như tôn trọng chế độ quân chủ, hệ thống phân cấp xã hội và sự gắn kết cộng đồng.
Khái niệm này nuôi dưỡng ý thức mạnh mẽ về lòng yêu nước và sự thống nhất, nhấn mạnh những bản sắc độc đáo của Thái Lan và tách biệt nó với các nền văn hóa khác.
Hệ tư tưởng "chất Thái" và “biết mình ở đâu” đã thành công trong việc duy trì hệ thống phân cấp xã hội cùng với việc đảm bảo rằng cấu trúc chính trị sẽ tiếp tục được chấp nhận và duy trì. Nó ảnh hưởng đến các nỗ lực bảo tồn văn hóa Thái Lan trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời định hình các chính sách giáo dục và xã hội liên quan đến bản sắc đất nước Chùa Vàng.
Trên thực tế, “chất Thái” và văn hóa “biết mình ở đâu” có ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn hỗn loạn của lịch sử Thái Lan và tiếp tục định hình xã hội và nền giáo dục hiện đại, theo kết luận của TS Sattayanurak từ Đại học Chiang Mai.
Các ưu tiên bản sắc và lịch sử đã củng cố các môn học về giá trị truyền thống và hệ tư tưởng phân cấp xã hội hơn là những kỹ năng thực tế như tiếng Anh.
Những thách thức chủ yếu
Mặc dù tiếng Anh chưa bao giờ được công nhận là ngôn ngữ chính thức nhưng đây là một trong những ngoại ngữ phổ biến ở Thái Lan. Trong thời kỳ trị vì của Rama III (1824-1851), các nhà truyền giáo Tin lành đã giúp giới thiệu tiếng Anh đến đất nước này. Tuy nhiên, ngôn ngữ này vẫn bị giới hạn.
Vào giữa những năm 1990, cải cách giáo dục Thái Lan dựa nhiều hơn vào các tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những trọng tâm của cải cách là đưa tiếng Anh thành môn học bắt buộc đối với tất cả các lớp tiểu học. Bộ Giáo dục Thái Lan đã nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp vào cuối những năm 1970 nhưng không đưa vào chương trình giảng dạy tiếng Anh cho đến năm 1996.
Tuy nhiên, nhiều trường gặp vấn đề trong việc triển khai các phương pháp giao tiếp do trình độ tiếng Anh tương đối thấp của giáo viên, dẫn đến kết quả học tập thấp của học sinh Thái Lan.
Một cuộc khảo sát do Đại học Cambridge (Anh) vào 2006 cho thấy 60% giáo viên Thái Lan không có đủ kiến thức để giảng dạy tiếng Anh, và chỉ có 3% có trình độ lưu loát phù hợp.
Ngoài ra, trọng tâm giáo dục tiếng Anh tại Thái Lan vẫn là dạy ngữ pháp, từ vựng và đọc hiểu. Cách tiếp cận truyền thống này đã tạo ra nhiều thế hệ học sinh có kiến thức lý thuyết vững chắc nhưng khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong các tình huống thực tế lại rất hạn chế.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy tại quốc gia này chủ yếu theo mô hình “Cô giảng-Trò nghe” và lấy thi cử làm trung tâm. Học sinh ít được tương tác với trải nghiệm thực tế. Các giáo viên chủ yếu dạy đọc và viết thay vì tập trung vào nghe và nói.
Nhà nghiên cứu Hallinger và Kantamara chỉ ra rằng “Khi phải đối mặt với việc triển khai các phương pháp tiếp cận, quản lý, học tập và giảng dạy đổi mới, các nhà giáo dục Thái Lan vẫn phải tuân theo các giá trị, giả định và chuẩn mực văn hóa truyền thống của quốc gia này”.
Một thách thức khác mà các nhà giáo dục phải đối mặt là động lực từ học sinh trong quá trình tham gia học ngoại ngữ. Nhiều cuộc khảo sát chỉ ra học sinh Thái Lan coi tiếng Anh là một "môn học đáng sợ" và đây là các tiết học các em “không thích nhất”.
Ngoài ra, việc học tiếng Anh ở Thái Lan có sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội. Những ảnh hưởng này đặc biệt bị khuếch đại trong Đại dịch Covid-19 khi học sinh buộc phải học tại nhà.
Trong khi trẻ con nhà giàu ở Thái Lan vẫn được tiếp cận với các nguồn học tiếng Anh, những trẻ kém may mắn hơn lại bị tước đi kênh duy nhất để học ngôn ngữ này - tiếp xúc với giáo viên tiếng Anh.
Ngoài ra, sinh viên Thái Lan đã bỏ lỡ cơ hội học tập tại các trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới vì trình độ tiếng Anh, theo tờ Southeast Asia Globe. “Có rất nhiều người nói rằng, ‘Tôi không thể đi nước ngoài vì tôi cần thi IELTS. Tôi không thể vượt qua được bài kiểm tra này".
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 88% công ty Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh đối với sự hội nhập của quốc gia này vào cộng đồng kinh tế ASEAN.
Nếu không tìm được giải pháp nâng cao trình độ tiếng Anh, đây sẽ trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thúc đẩy ngành du lịch, theo Thailand Business News.
Theo khảo sát năm 2023 của EF English Proficiency Index (EF EPI), trình độ tiếng Anh của Thái Lan nằm gần cuối bảng ở Châu Á và thế giới.
Thái Lan xếp hạng 101 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ không nói tiếng Anh bản xứ và rơi vào nhóm "trình độ rất thấp" với số điểm chỉ là 416. Trong khi đó, điểm trung bình toàn cầu là 502.
Nền kinh tế Thái Lan đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore) và thứ 9 châu Á, tuy nhiên, trình độ tiếng Anh xếp hạng 21 trong số 23 quốc gia ở châu lục này, thấp hơn cả Lào và Campuchia.
" alt=""/>Nguyên nhân Thái Lan đứng gần cuối thế giới về trình độ tiếng Anh