Vlogger Quỳnh Trần JP cho biết bé Sa sẽ không thể thường xuyên xuất hiện trong các vlog của mình từ tháng 4/2020. |
Trẻ em muốn trở thành ngôi sao YouTube
“Thời kỳ mà một đứa trẻ mơ ước rằng lớn lên mình sẽ thành một ngôi sao Disney hay ca sĩ như Hannah Montana đã qua. Giờ đây, câu trả lời là chúng muốn trở thành người nổi tiếng trên YouTube”, Jessie Paege, YouTuber sở hữu hơn 1,5 triệu đăng ký trên nền tảng này, nói chắc nịch.
Các thế hệ trước có thể chê bai việc sáng tạo nội dung trên mạng không phải một công việc thực sự, song với những đứa trẻ lớn lên với smartphone, mạng xã hội và Internet là cách nhanh nhất để gặt hái danh tiếng.
Theo khảo sát gần đây được thực hiện bởi Harris Polls và nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch Lego, 1/3 trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 12 ước mơ trở thành một vlogger hoặc ngôi sao YouTuber khi lớn lên.
Trong số 1.000 trẻ em tham gia khảo sát ở Mỹ, 29% muốn tham gia làm vlog. Tại Anh, 30% trẻ em cũng có lựa chọn nghề nghiệp tương tự, liên quan đến YouTube và các mạng xã hội.
|
Ryan Kaji (7 tuổi) nổi tiếng với kênh review đồ chơi Ryan ToysReview có hơn 21,5 triệu người đăng ký trên YouTube. |
Đây không phải là một kết quả quá bất ngờ. Năm 2017, khảo sát của First Choice cũng cho thấy hơn 52% trong số 1.000 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 6-17 nói rằng muốn trở thành vlogger khi lớn lên.
Một khảo sát của chính phủ Hàn Quốc cũng cho thấy vlogger là một trong 5 nghề được học sinh tiểu học yêu thích nhất.
Theo Pam Moore, chuyên gia truyền thông xã hội và CEO của công ty Marketing Nutz tại Florida (Mỹ), trẻ em khao khát được trở thành ngôi sao mạng xã hội là một “xu hướng tất yếu, xuất phát từ việc tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng ngay khi còn nhỏ".
Theo thống kê của Pew Research Center với gần 44.000 kênh YouTube có trên 250.000 người đăng ký trong tuần đầu tiên của năm 2019, tất cả các video hướng đến trẻ em hoặc có trẻ em xuất hiện đều đạt lượt xem cao vượt trội.
Lượt xem, lượt like, lượt subscribe khổng lồ đang thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các YouTuber nhí. Tuy nhiên, đăng sau những con số khủng này lại là câu chuyện lạm dụng, bóc lột đáng báo động.
“Nếu mẹ nói con chạy con phải chạy”
Cuối tháng 8, chương trình I Want To Know That của đài SBSphát sóng phóng sự về cuộc sống của các YouTuber nhí tại Hàn Quốc.
Theo đó, Hàn Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các YouTuber nhí. Cha mẹ của những đứa trẻ này đăng tải nhiều nội dung khác nhau lên nền tảng video trực tuyến và thu về lợi nhuận khổng lồ. Song song với lợi ích kinh tế và danh tiếng, những YouTuber nhí trên còn gặp phải nhiều vấn đề tiêu cực khác.
Boram Family - công ty quản lý 2 kênh YouTube của bé gái 6 tuổi Boram - đã mua một tòa nhà năm tầng trị giá 9,5 tỷ won (8,06 triệu USD) ở Gangnam, Seoul, Hàn Quốc, theo báo cáo của Maeil Business ngày 23/7.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng phụ huynh của ngôi sao nhí đang làm giàu bằng cách bóc lột con gái và dẫn lại vụ bê bối lạm dụng trước đó. Tháng 9/2017, tổ chức Save The Children từng cáo buộc cha mẹ Boram bất chấp kiếm tiền khi đẩy con vào những tình huống nguy hiểm để quay video.
Nhiều đoạn clip trên kênh của Boram cho thấy cô bé 6 tuổi từng ăn cắp tiền, phá hỏng đồ đạc, hành động như đang mang thai và sinh con… Những nội dung này không chỉ gây ra khủng hoảng tinh thần với cô bé mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, đa phần là trẻ em.
|
2 kênh trẻ em Ttua Ttuji TV và Boram của Hàn Quốc bị cáo buộc lạm dụng trẻ em. |
Tháng 6 vừa qua, một kênh YouTube khác dành cho trẻ em của cặp song sinh nổi tiếng Sua và Suji bị “ném đá” khi chia sẻ video hai cô bé ăn bạch tuộc. Trong video, cặp song sinh Hàn Quốc liên tục cau mày và rên rỉ khi phải cố nhai, nuốt con bạch tuộc khổng lồ.
Hầu hết bậc cha mẹ tại Hàn Quốc đều biện hộ rằng "con tôi thích" hoặc "tôi muốn lưu lại kỷ niệm cho con" khi được hỏi về lý do xây dựng các kênh YouTube trên.
Tuy nhiên, nhà sản xuất của một kênh YouTube dành cho trẻ em tiết lộ với chương trình I Want To Know Thatrằng những đứa trẻ này đều sống cuộc đời không có tự do. Người này đưa ra ví dụ rằng nếu đứa trẻ từ chối quay, phụ huynh của bé sẽ đáp lại: "Nếu mẹ bảo con chạy, con phải chạy. Mẹ nói con bước đi thì con phải đi".
Trung Quốc cấm, Hàn Quốc hạn chế
Khi những cáo buộc lạm dụng YouTuber nhí liên tục xuất hiện tại xứ sở kim chi, nhiều người thể hiện sự bất bình. Nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ sớm đặt ra các quy định về việc trẻ vị thành niên sử dụng, tham gia nền tảng này để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Kwon Jang-hee, giám đốc của Noridia, một tổ chức chuyên ngăn chặn chứng nghiện Internet ở trẻ em, cho biết: “Internet giúp mở ra rất nhiều cơ hội, thậm chí cả con đường sự nghiệp trong tương lai cho trẻ em. Tuy nhiên, trước hết đó phải là một môi trường an toàn, lành mạnh, không gây hại với trẻ”.
Không chỉ các nội dung trên mạng xã hội, các show truyền hình có sự tham gia của trẻ em cũng từng gây tranh cãi tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi Hàn Quốc cân nhắc việc hạn chế, đất nước tỷ dân có biện pháp cứng rắn hơn.
Tháng 4/2016, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc (SARFT) đưa ra lệnh “kiểm soát ngành giải trí”.
Cơ quan này yêu cầu hạn chế các chương trình có trẻ em dưới tuổi thành niên tham gia. Các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, show truyền hình thực tế sẽ bị kiểm soát kỹ.
Theo quyết định này, các chương trình thực tế như Bố ơi trở lại, Bố ơi, mình đi đâu thế, Mẹ là siêu nhân, Thời đại thiếu nhi… đều bị dừng sản xuất.
Nguồn tin từ Xinhuatiết lộ giới chức Trung Quốc quyết liệt trong vấn đề này sau vài năm chứng kiến sự bùng nổ các game show thực tế có trẻ em tham gia. Đây là một hiện tượng bị đánh giá tiêu cực đối với xã hội.
|
Các chương trình thực tế như Bố ơi trở lại, Bố ơi, mình đi đâu thế mùa, Mẹ là siêu nhân, Thời đại thiếu nhi… đều bị dừng sản xuất tại Trung Quốc từ năm 2016. |
Trong năm 2015, cả Trung Quốc có hơn 100 kênh truyền hình phát sóng, thu về 10 tỷ nhân dân tệ tiền quảng cáo. Trong đó có nguồn thu đáng kể từ các show có sự góp mặt của các em nhỏ.
Các cậu ấm, cô chiêu của nghệ sĩ bỗng nổi tiếng chỉ sau một đêm, được truyền thông ưu ái gọi là “ngôi sao mới”, “thần đồng showbiz”.
Bé Kimi nhà Lâm Chí Dĩnh từng được trả 150.000 nhân dân tệ cho một sự kiện quảng cáo cùng bố. Lâm Chí Dĩnh tự hào: “Con trai còn có thù lao cao hơn tôi”.
Tuy nhiên, đó chỉ mới bề nổi của câu chuyện. “Sức khỏe, sự phát triển về giáo dục và tâm lý là những vấn đề đáng quan ngại”, đại diện Cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.
Tài tử Ngô Trấn Vũ và con trai - Feynman - từng bức xúc khi đài truyền hình vô trách nhiệm trong quá trình quay show Bố ơi mình đi đâu thế mùa thứ 2. Hậu quả, con trai anh gặp tai nạn và bị thương mắt vĩnh viễn.
“Họ không nói gì với tôi sau vụ việc. Chúng tôi chưa nhận được chi phí điều trị và viện phí. Đó là hành động vô trách nhiệm của đài truyền hình”, Ngô Trấn Vũ bức xúc sau sự việc.
Anh còn tuyên bố sẽ khởi kiện đài. Trong khi đó, đạo diễn show - ông Tạ Địch Quỳ - cho hay đây chỉ là tai nạn khi các em nhỏ chơi đùa và đập đầu vào cầu thang.
“Các bé không thực sự nổi bật, nhưng nhờ bố mẹ mà càng nổi tiếng. Tuy nhiên, những bình phẩm khen chê của đám đông, kiếm tiền được quá sớm hay sự soi xét từ truyền thông khiến các em tưởng rằng mình là trung tâm vũ trụ, tự bỏ học và phấn đấu nghiêm túc", Xinhuadẫn lời một quan chức.
"Phải nhấn mạnh rằng, các em đang bị bóc lột về lao động, trở thành cỗ máy kiếm tiền, bị phát triển lệch lạc”, ông này cảnh báo.
">