ICTnews- Doanh thu thoại giảm dần, khó khăn trong tìm kiếm thuê bao mới, các đại gia viễn thông châu Á bị hấp dẫn bởi lợi nhuận dữ liệu đang nhòm ngó vào nước Mỹ. Masaki Yoshikawa điều hành 80 nhân viên trong một văn phòng ở Manhattan. Họ phục vụ khoảng vài ngàn khách hàng, hầu hết là khách du lịch đến từ Nhật Bản, những người thích dùng ĐTDĐ bằng ngôn ngữ Nhật Bản khi đang ở Mỹ. Văn phòng của Yoshikawa thực sự là một điểm đại diện của NTT DoCoMo ở Mỹ - hãng không dây lớn nhất của Nhật. Nhiệm vụ của Yoshikawa là tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Ngày 30/11, Google xác nhận họ sẽ đệ đơn lên Ủy ban Truyền thông Mỹ để tham gia đấu giá phổ tần không dây vào ngày 28/1 tới. “Google đang nỗ lực mua tần số. Có thể họ sẽ cần một đối tác”, Yoshikawa nói. Viễn thông châu Á "tấn công" nước Mỹ DoCoMo không phải là công ty viễn thông châu Á duy nhất đang để mắt đến thị trường Mỹ. Một đại gia Nhật Bản khác là KDDI cũng đã thử nghiệm dịch vụ không dây ở Mỹ. Gần đây, hãng di động SK Telecom của Hàn Quốc cũng tăng sở hữu trong liên doanh Helio (với EarthLink) bằng việc đầu tư thêm 270 triệu USD. Hãng Hàn Quốc có thể đang nuôi ý định đầu tư thêm, theo nhật báo Wall Street, hồi tháng 11/2007, SK đã thất bại trong việc “ăn” một miếng bánh của Sprint Nextel trị giá 5 tỷ USD. Các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc cũng được tin sẽ “tấn công” thị trường không dây Mỹ. Đáng kể như việc hồi tháng 5/2007, chính phủ Trung Quốc mua 3 tỷ USD cổ phần trong Blackstone Group, một hãng vốn tư nhân có đầu tư vào ngành công nghiệp không dây. Hiện Blackstone vẫn chưa bình luận gì về việc này. Nguồn tiền đầu tư từ phương Đông có thể châm ngòi cho một trong những làn sóng đầu tư nước ngoài lớn nhất vào ngành công nghiệp không dây của Mỹ kể từ khi Deutsche Telecom (Đức) thâu tóm VoiceStream của Mỹ năm 2001, DoCoMo đầu tư vào AT&T Wireless năm 2000, và Vodafone (Anh) mua AirTouch năm 1999. |