Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư dễ dàng phòng ngừa nhất trong tất cả các loại ung thư bằng hai cấp dự phòng. Trong đó, dự phòng cấp 1 là trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh để ngăn ngừa ngay từ ban đầu và tiêm vaccine phòng bệnh.Còn Dự phòng cấp 2 là phát hiện vi-rút HPV ( Human Papilloma viruses), nguyên nhân chính gây ra hơn 99% các trường hợp ung thư, hoặc phát hiện các tổn thương tiền xâm lấn của UTCTC từ đó có những can thiệp y khoa kịp thời.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ Việt Nam về phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, ngày 31/10/2015 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) đã cùng Trung tâm Xét nghiệm và Chẩn đoán Y khoa (Medical Diag Center) phối hợp thực hiện hội thảo “Hành động ngay vì Phụ nữ Việt Nam - Phát hiện sớm HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung”, do Công ty TNHH Roche Việt Nam tài trợ.
Hành động ngay vì sức khỏe bản thân
|
Gần 800 chị em phụ nữ tham dự tìm hiểu thông tin về UTCTC
|
Chương trình có sự góp mặt và trình bày của ThS.BS. Lê Văn Hiền, Phó Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Mekong, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Tp. HCM cùng các chuyên gia y tế khác trong vai trò tư vấn. Bên cạnh việc cung cấp thông tin và kiến thức cơ bản về UTCTC, các phương pháp tầm soát, đặc biệt là phát hiện sớm HPV và nguy cơ UTCTC, chương trình cũng khuyến khích các chị em hành động ngay vì sức khỏe của bản thân bằng cách hỗ trợ phiếu giảm giá cho gói khám phụ khoa và tầm soát nguy cơ UTCTC với xét nghiệm cobas HPV tại Medical Diag Center.
|
ThS. BS. Lê Văn Hiền cung cấp nhiều kiến thức hữu ích về UTCTC và HPV cho các chị em phụ nữ
|
Chị Nhàn, một cán bộ y tế của Trường THCS Hoa Lư bộc bạch sau chương trình rằng do những hạn chế về tài chính, thời gian cũng như nhận thức của riêng bản thân chị em phụ nữ và của gia đình nói chung mà việc khám sức khỏe định kì cũng như tầm soát nguy cơ UTCTC chưa được coi trọng. Chị mong rằng qua buổi hội thảo này, nhiều chị em sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, chủ động tầm soát phát hiện sớm nguy cơ bệnh để ngừa bệnh hơn phải đi chữa bệnh.
Tích cực tham gia các hoạt động của chương trình, chị Hiếu (cán bộ Trường Mầm non Thạnh Mỹ Lợi) cho rằng đây là hoạt động bổ ích, thiết thực vì cộng đồng, bản thân là người đã tầm soát nguy cơ UTCTC, chị đến đây với mong muốn có được thêm nhiều kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
|
Chị em phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động của chương trình, chung tay kêu gọi phát hiện sớm HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung
|
Phát hiện sớm nguy cơ UTCTC bằng xét nghiệm cobas HPV
ThS. BS. Lê Văn Hiền, Phó GĐ Chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Mekong, Tổng thư ký Hội Phụ sản Tp. HCM cho biết, UTCTC là căn bệnh có thể được ngăn ngừa, để tránh hậu quả đáng tiếc cũng như giảm chi phí y tế cho bệnh nhân và xã hội, việc phát hiện sớm nguy cơ UTCTC là vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống phụ nữ Việt Nam.
ThS.BS. Lê Văn Hiền cũng cho biết thêm, UTCTC không phải là do di truyền mà có đến hơn 99% là do vi-rút HPV gây ra, lây lan qua tiếp xúc da với da và đặc biệt là quan hệ tình dục. Trong đó, hai chủng nguy cơ cao là HPV 16 và HPV 18, gây nên hơn 70% các trường hợp UTCTC. Người ta cũng chứng minh được rằng, 4 trong 5 phụ nữ có thể bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời dù chỉ có quan hệ 1 vợ 1 chồng, vệ sinh sạch sẽ….
Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm HPV cũng sẽ bị UTCTC mà đa phần sẽ tự khỏi trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ khi nào cơ thể bị nhiễm vi-rút HPV chủng nguy cơ cao tái đi tái lại nhiều lần mới có nguy cơ dẫn đến UTCTC. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tầm soát vi-rút HPV để phát hiện sớm nguy cơ và phòng ngừa UTCTC.
Xét nghiệm cobas HPV giúp phát hiện sự hiện diện của 14 chủng HPV nguy cơ cao, đặc biệt là chủng HPV 16 và HPV 18 trong tế bào cổ tử cung ngay cả khi chưa có biến đổi trên tế bào. Trong khi xét nghiệm Pap (Tế bào học) không hoàn toàn bảo vệ bạn khỏi ung thư cổ tử cung, theo nghiên cứu cho thấy có đến 1 trong 3 phụ nữ thực sự bị ung thư cổ tử cung mặc dù đã làm xét nghiệm Pap trước đó với kết quả bình thường. Với kết quả xét nghiệm cobas HPV âm tính (không bị nhiễm HPV), thì 3-5 năm sau bạn mới phải cần làm xét nghiệm lại.
“Với khoa học ngày nay, đã có những biện pháp giúp chúng ta phát hiện sớm các nguy cơ bệnh, cụ thể như UTCTC, để ngăn ngừa bệnh, tôi thiết nghĩ, chẳng có lý do gì để phụ nữ chúng ta chần chừ cả, vì sức khỏe của mình, vì gia đình và chính cuộc sống của mình, chúng ta phải hành động ngay!” Chị Trần Thị Ngọc Mỹ chia sẻ sau khi tham gia Hội thảo.
M. Nga
">