Thông tin chi tiết về mức lương tối thiểu và tối đa tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM của nhân sự làm việc trong 23 ngành nghề,ệpViệtcóxuhướngtăngđầutưvàolươngchophòngbandữliệthời tiết mai trong đó có CNTT – Viễn thông, thiết bị điện tử, thương mại điện tử - dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính... là một nội dung nổi bật trong báo cáo lương và thị trường lao động 2024 được Navigos Group công bố mới đây.
Với từng ngành nghề, báo cáo cũng cung cấp mức lương cho các vị trí nhân sự cụ thể theo phòng, ban với từng cấp bậc, kinh nghiệm công tác.
Với ngành CNTT – Viễn thông, ở Hà Nội, mức lương của nhân sự phòng dữ liệu dao động từ 1.200 đến 6.000 USD/tháng (khoảng từ 28,8 triệu đồng đến 144 triệu đồng/tháng), tùy theo cấp bậc là có kinh nghiệm/chưa là quản lý, chuyên gia, trưởng nhóm hay trưởng phòng.
Cũng phòng ban này ở TP.HCM, mức lương dao động từ 1.500 đến 8.000 USD/tháng (khoảng từ 36 triệu đồng đến 192 triệu đồng/tháng).
Từ khảo sát lương mới công bố, chuyên gia Navigos Group chỉ ra rằng, một xu hướng mới của thị trường tuyển dụng lao động tại Việt Nam là các vị trí về môi trường, xã hội và quản trị ngày càng được đầu tư, khi mức lương cho các phòng ban này trong các ngành nghề: Thiết bị điện tử; Hóa chất, vật liệu xây dựng, bao bì, in ấn, nhựa; Nông nghiệp; Sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu được nâng cao khi bảng lương năm nay nhận thấy các doanh nghiệp Việt ngày càng đầu tư vào mức lương cho phòng ban dữ liệu trong các ngành CNTT – Viễn thông; Ngân hàng; Năng lượng, năng lượng tái tạo và dầu khí.
Khi đề cập đến kỳ vọng của các ứng viên, người lao động Việt Nam, khảo sát của Navigos Group chỉ ra rằng, lương hiện vẫn là yếu tố hàng đầu khi tìm kiếm một công việc mới. Theo sau đó là các yếu tố khác như văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến trong công việc hay cơ chế thưởng.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, người lao động kỳ vọng nhiều vào sự ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và những hỗ trợ tài chính như được thanh toán lương đúng hạn.
Các ứng viên, người lao động cũng rất kỳ vọng vào sự ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm gia tăng sự đảm bảo công việc cho họ. Yếu tố này đạt 45.7% và đứng thứ 5 theo kết quả khảo sát.
Đưa ra dự báo về triển vọng thị trường lao động Việt Nam năm 2024, nghiên cứu mới của Navigos Group cho thấy, làm việc linh hoạt là xu hướng được nhiều người lao động quan tâm nhất, chiếm hơn 49%. Đồng thời, mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được đề cao khi gần 44% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống - công việc.
Trong top 5 xu hướng làm việc được ứng viên quan tâm giai đoạn 2023 – 2024 còn có các yếu tố làm việc từ xa, chiếm 40,1%; ứng dụng trí tuệ nhân tạo – AI, chiếm 37,7%; và trao quyền cho nhân viên, chiếm 35,8%.
Các vị trí việc làm mới được dự báo dần xuất hiện trong thời gian tới, tập trung về AI, công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh.
Trong đó, các công việc liên quan đến AI là câu trả lời phổ biến nhất và sẽ xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề, tiêu biểu như: CNTT - Viễn thông; Xây dựng, bất động sản; Ngân hàng; Giáo dục; Dịch vụ tài chính và tư vấn...
Vị trí việc làm mới thiên về xử lý dữ liệu cũng dần xuất hiện trong các ngành: Xây dựng, bất động sản; Thiết bị điện tử; Dịch vụ tư vấn; Bảo hiểm...
Ngoài ra, khi được hỏi về những kỹ năng cốt lõi mà ứng viên, người lao động cho rằng cần tập trung phát triển trong giai đoạn đến năm 2024, ngoại ngữ và tư duy phân tích cùng đứng đầu với tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau là 55,1%.
Để tăng tính cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động, người lao động còn tập trung phát triển các kỹ năng như tư duy sáng tạo (chiếm 48,2%), giải quyết vấn đề (chiếm 42,2%) và giao tiếp hiệu quả (chiếm 39,5%).
Kết quả nêu trên khá tương đồng khi tham chiếu với những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng. Theo đó, ngoại ngữ, giao tiếp hiệu quả hay giải quyết vấn đề... đều là những yếu tố đứng đầu trong cả 2 khảo sát.
Đồng thời, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, cả ứng viên, người lao động cũng như doanh nghiệp đều quan tâm đến yếu tố thích ứng với thay đổi.
Một trong những khuyến nghị của chuyên gia Navigos Group với các doanh nghiệp là cần xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; tăng hoặc đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính…
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cân nhắc chú trọng đào tạo kỹ năng và điều chuyển nhân viên nội bộ vào những vị trí mới trong tổ chức, thay vì tuyển dụng mới.
Với các ứng viên, lời khuyên của các chuyên gia là cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng; chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi.
Đồng thời, người lao động cũng cần nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động...
Báo cáo lương và thị trường lao động 2024 được Navigos Group thực hiện dựa trên ý kiến của hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam, và hơn 550 doanh nghiệp đa dạng quốc tịch như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. |