-Trong tiết dạy Toán, một em học sinh ngồi dưới đã nói câu khiến tôi nhớ mãi: “Con điên”. Tôi bực lắm nhưng vẫn cố lờ đi. Tôi sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục truyền thống. Mẹ tôi là giáo viên dạy lớp 1. Bà cũng là người đã trực tiếp dạy tôi trong năm đầu đi học. Phải nói rằng, đó là quãng thời gian tôi “ăn đòn” rất nhiều. Mẹ tôi và các thầy cô giáo khác luôn sử dụng những hình phạt như dùng phấn để ném hay dùng thước để đánh đòn.
Điều đó làm tôi thấy sợ hãi và luôn phải nỗ lực học trong nỗi ám ảnh. Tất nhiên khi nhìn lại, tôi cũng phải thầm cảm ơn những trận đòn roi đã giúp tôi trưởng thành.
"Dạy lớp 1 khó rất nhiều và khổ cũng không ít" - Cô Lê Thị Nếp (Ảnh: VTV7)
Khi trở thành cô giáo, tôi được phân công giảng dạy học trò lớp 1. Dạy các em khó rất nhiều và khổ cũng không ít. Tôi tin rằng khi hỏi giáo viên tiểu học ai muốn xuống khối 1 dạy chắc chắn sẽ không có cánh tay nào giơ lên.
Tôi nói như thế không phải để biện minh cho những ứng xử của mình trước đây. Nhưng thực sự có những lúc tôi cảm thấy ức chế vô cùng. Trẻ lớp 1 đang chuyển từ giai đoạn chủ yếu chơi sang môi trường tập trung học. Làm thế nào để rèn các con vào nề nếp là cả một vấn đề.
Vì vậy, tôi chọn cách giống như mẹ tôi là đi theo con đường kỷ luật rất mạnh. Tôi tin rằng những điều ấy sẽ khiến học trò thấy sợ mà học. Tôi muốn mình phải có uy trước mặt các em để giữ kỷ cương trong lớp. Và mỗi khi bước vào tiết dạy, tôi đã trở một người cảnh sát hay công an đầy thị uy.
Nhưng mặc cho tôi gào thét khàn cả cổ, các em vẫn thản nhiên nô đùa.
Nhiều lần ức chế không thể chịu được tôi đã phải quát nạt, thậm chí đe dọa học trò. Tôi “trấn an” lớp bằng những lời dọa nạt như “Cô sẽ nhốt con vào chuồng chó” hay “Cô sẽ nhốt con ở lại lớp học”.
Có vẻ như những lời nói này dễ phát huy tác dụng với trẻ nhỏ. Mặc dù dùng xong, khi trở về nhà tôi cũng cảm thấy ân hận và xấu hổ. Nhưng đến hôm sau, khi không thể kìm chế được mình, tôi lại tiếp tục sử dụng hành động và lời lẽ như thế.
Tôi còn nhớ mãi trong một tiết dạy Toán, khi tôi đang say sưa giảng bài, học trò vẫn say sưa nói chuyện. Không kiềm chế được mình, tôi đã cầm thước đập thật mạnh xuống bàn.
Một em học sinh ngồi dưới đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Con điên”. Tôi bực lắm nhưng vẫn cố lờ đi. Cậu học trò ngồi kế bên đã đứng lên thưa rằng: “Bạn này nói cô là con điên ạ!”.
Tôi bắt cô bé kia phải đứng lên giải thích. Tôi nhớ nét mặt sợ sệt của em. Em giải thích rằng: “Môi cô ở bên trong còn răng cô ở bên ngoài trông như con điên ạ!”.
Nghe học trò giải thích tôi không thể nói thêm được câu nào nữa. Tôi ra ngoài hành lang đứng và trong lòng trỗi dậy một sự xót xa. Chẳng lẽ mình lại kinh khủng đến thế?
"Tôi nhận ra rằng ngôi trường đáng lẽ phải là nơi khiến học trò vui nhưng chính tôi đang làm học trò cảm thấy sợ hãi" - Cô Lê Thị Nếp.
Tôi nhận ra rằng ngôi trường đáng lẽ phải là nơi khiến học trò vui nhưng chính tôi đang làm học trò cảm thấy sợ hãi. Mặc dù những lời dọa dẫm của mình chỉ để thỏa cơn nóng giận, nhưng tôi lại khiến học trò tổn thương.
Tôi cũng từng vô tình nghe được học trò nói rằng: “Con rất sợ cô Nếp”. Tôi đã bật khóc. Các con ngại khi tiếp xúc và không chịu mở lời với cô giáo. Tất cả đều là lỗi do tôi.
Người ta vẫn nói “bạo hành sẽ sinh ra bạo hành”. Học trò chưa ngoan là lỗi ở cô giáo và mình phải nhìn nhận để thay đổi theo hướng tích cực.
Tôi học cách cởi bỏ mọi ức chế đang mang để lên lớp. Tôi luôn khiến mình vào tiết với tâm thế tuyệt vời nhất. Thay vì liên tục giảng bài khi vừa vào lớp, tôi tập quan sát và hỏi thăm cô học trò này hôm nay có chuyện gì buồn vui; con vui ra sao và buồn như thế nào. Tôi cảm nhận được các con bắt đầu có sự thoải mái.
Clip cô Lê Thị Nếp chia sẻ sự thay đổi của mình trên VTV7 được đón nhận rộng rãi, với hơn 1 triệu lượt xem
Bên cạnh đó, để khiến học trò hồ hởi khi đến trường, tôi cũng luyện cho mình phong thái nhí nhảnh, thậm chí “hơi điên điên, khùng khùng”. Tôi thường sẽ hát cho học sinh nghe hay kể một câu chuyện hấp dẫn. Đến lúc cao trào, tôi thường gián đoạn bằng cách nói: “Chúng ta tiếp tục bài học nhé. Nếu các con ngoan cuối giờ cô sẽ kể tiếp phần cuối”. Nhờ vậy học trò rất hăng say và vui vẻ.
Khi lớp học ồn ào, thay vì quát mắng hay bẹo tai cậu học trò nghịch ngợm nhất, tôi sẽ đi xuống nhắc nhở: “Con như thế cô rất buồn. Cô nghĩ con nên ngồi nghiêm chỉnh hơn”.
Tất nhiên có những đối tượng rất nghịch và cá tính, tôi vẫn phải áp dụng kỷ luật nhưng là kỷ luật tích cực để không làm ảnh hưởng đến tâm hồn của các con như phạt đứng suy nghĩ về hành vi hay dọn vệ sinh tại chỗ.
Trước đây, có những con đáng lẽ phải bước nhiều bước để về đích nhưng tôi lại bắt học trò phải bước ngắn nhất có thể khiến các con sợ hãi. Tôi nhận ra rằng những kiến thức mình trang bị cho học sinh là cần thiết nhưng cũng không đến mức phải dùng mọi hình thức để nhồi vào đầu, thậm chí đánh, mắng hay xỉ vả khi các con không tiếp thu tốt.
"Tôi hi vọng khi mình đến bên các em với cái tâm của người thầy thì học trò sẽ cảm thấy hạnh phúc" - Cô Lê Thị Nếp.
Tôi từng có một cậu học trò học rất yếu. Tôi muốn con phải vận động não nhiều hơn thay vì cộng trừ bằng tay. Nhưng vì sức tiếp thu chậm, tôi thường quát tháo, thậm chí đánh học trò khiến con bị rối và bấn loạn.
Sau này khi ngồi lại, tôi động viên học trò rằng: “Cố gắng lên, con làm đúng rồi đấy”, “Bây giờ con không tính tay nữa, cố gắng nghĩ thử xem nào”. Đó là cậu học trò ngay từ đầu năm học ai cũng nghĩ sẽ phải ở lại lớp thì đến cuối năm con đã lên được lớp 2. Khoảnh khắc đó tôi thực sự hạnh phúc.
Những nút thắt trong tôi cứ thế dần dần được cởi bỏ. Tôi đã biết hóa giải cơn tức giận, quan tâm đến cảm xúc của học trò nhiều hơn. Tôi đã xóa đi khoảng cách với học trò mà trước đây tôi vẫn nghĩ cần phải thể hiện uy quyền.
Giờ đây, lớp của tôi đầy ắp tiếng cười. Những em học sinh học kém đã được tôi dìu dắt từng bước. Tôi trân trọng những bước tiến của các em mỗi ngày dù là rất nhỏ.
Tâm tôi cảm thấy an và học trò cũng thấy thoải mái. Tôi để mọi ưu phiền bên ngoài cửa lớp. Tôi hi vọng khi mình đến bên các em với cái tâm của người thầy thì học trò sẽ cảm thấy hạnh phúc.
(Ghi theo lời kể của cô giáo Lê Thị Nếp, Trường Tiểu học &THCS Bắc Sơn, Thái Bình)
Khi tôi tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi, học sinh nói với tôi rằng: “Cô cứ yên tâm, bọn con diễn giỏi lắm”. Nhưng tôi đã nói với các em: “Nếu các con đưa cho cô một kịch bản, cô sẽ là người đầu tiên quên lời”.
" alt=""/>