Sau khi thành công với dự án Beetlejuice (1988), đạo diễn Tim Burton được hãng Warner Bros. bật đèn xanh đưa người hùng Batman lên màn ảnh rộng. Có kinh phí 48 triệu USD, Batman là dự án lớn đầu tiên của Burton sau thời gian dài xoay xở với những bộ phim kinh phí thấp. Ông mời nam diễn viên vốn quen thuộc với các vai hài là Michael Keaton vào vai Người Dơi, đồng thời nhận được lời gật đầu của siêu sao Jack Nicholson.
Trong phim, Nicholson làm kẻ phản diện Joker và gây náo loạn thành phố Gotham, buộc Batman phải ra tay. Tác phẩm thành công rực rỡ về mặt doanh thu khi thu về 411 triệu USD. Phim được xem là nền móng cho nhiều bộ phim siêu anh hùng ngày nay với kịch bản có chiều sâu tâm lý và chân thực hơn so với các tác phẩm cùng thể loại trong quá khứ. Ba năm sau, Tim Burton cho ra mắt phần kế tiếp mang tên Batman Returns.
2. Edward Scissorhands (1990)
Tài năng kể chuyện giả tưởng và thần thoại của Burton được minh chứng qua Edward Scissorhands. Đây là câu chuyện cổ tích có bối cảnh hiện đại, xoay quanh một chàng với đôi tay bằng kéo mang tên Edward (Johnny Depp). Người sáng chế ra anh đã qua đời trước khi trao cho Edward một đôi bàn tay bình thường và khiến anh mãi phải mang những ngón tay sắc lẹm. Khi được một gia đình nhận về ở chung, Edward đem lòng yêu cô con gái Kim (Winona Ryder) và bị đặt vào tình cảnh éo le.
Edward Scissorhands nhận một đề cử Oscar về hóa trang đồng thời đạt doanh thu gấp bốn lần kinh phí gốc 20 triệu USD. Đây là dự án mà Tim Burton khẳng định là ông "tâm đắc nhất trong sự nghiệp". Cũng chính nhờ Edward Scissorhands, Burton có dịp cộng tác lần đầu với "chàng thơ" Johnny Depp. Sau này, họ trở thành cặp bài trùng với thêm bảy bộ phim khác trong vai trò đạo diễn - diễn viên.
3. The Nightmare Before Christmas (1993)
Bộ phim hoạt hình theo phong cách stop-motion (tĩnh vật) được đạo diễn bởi Henry Selick. Tuy nhiên, Tim Burton mới thực sự là linh hồn của The Nightmare Before Christmas bởi câu chuyện phim được dựa trên một bài thơ ông viết vào năm 1982. Burton đảm nhiệm vai trò viết kịch bản, nhà sản xuất do bận bịu làm dự án Batman Returns.
The Nightmare Before Christmas kể câu chuyện về Jack Skellington - ông hoàng của thị trấn Halloween. Trong một lần vô tình tới thị trấn Giáng Sinh, Jack bị ấn tượng mạnh bởi không khí lễ hội và quyết định thử cùng các cư dân ở Halloween tổ chức Giáng sinh ... Bộ phim ghi điểm với khán giả bởi phong cách độc đáo cùng sự đan xen khéo léo giữa tiếng cười và âm nhạc. Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá là một trong những phim hoạt hình hay nhất thập niên 1990.
4. Ed Wood (1994)
Với điểm số 92% trên trang Rotten Tomatoes và hai giải Oscar được trao, Ed Wood là bộ phim không thể không nhắc tới khi nhìn lại sự nghiệp của Tim Burton. Đây là một bộ phim tiểu sử mà Burton làm về nhà làm phim lập dị Ed Wood. Những tình tiết phim xoay quanh cuộc đời của Wood đằng sau máy quay và cả cuộc tình của ông.
Ở thời điểm trước khi bộ phim bấm máy, tài tử Johnny Depp đang tỏ ra chán chường với sự nghiệp. Anh quyết định xem vai Wood như một cơ hội để "thư giãn và giải trí" và sau đó đã lấy lại được tình yêu với công việc diễn xuất. Tại lễ trao giải Oscar năm 1995, bộ phim đã nhận tượng vàng ở hai hạng mục "Nam diễn viên phụ xuất sắc" (cho Martin Landau) và "Hóa trang xuất sắc".
5. Big Fish (2003)
Big Fish là một câu chuyện giàu trí tưởng tượng và sức lay động được dựa trên tình phụ tử. Tác phẩm mở đầu với việc người cha Edward Bloom (Albert Finney) gần đất xa trời đang kể lại cho cậu con trai Will (Billy Crudup) về những chuyến phiêu lưu thời trẻ của mình. Bằng cách kể chuyện phóng đại, câu chuyện về tuổi trẻ nhiều màu sắc của ông Bloom (Ewan McGregor) trở thành chất xúc tác giúp hàn gắn mối quan hệ giữa hai cha con.
Phim đạt doanh thu 122,9 triệu USD và nhận bốn đề cử Quả Cầu Vàng, bao gồm cả "Phim hài/nhạc kịch xuất sắc". Đây là một dự án giàu ý nghĩa đối với cá nhân đạo diễn Tim Burton, bởi cả cha và mẹ của ông đều qua đời không lâu trước khi bộ phim được bấm máy.
6. Charlie and the Chocolate Factory (2005)
Charlie and the Chocolate Factory vốn là cuốn sách dành cho trẻ em nổi tiếng của nhà văn Roald Dahl và từng một lần được làm thành phim vào năm 1971. Tới năm 2005, một phiên bản điện ảnh khác trung thành với nguyên tác hơn được Tim Burton cho trình làng. Nhân vật chính của phim là cậu bé nhà nghèo Charlie (Freddie Highmore) sống cùng ông bà bố mẹ trong một căn hộ chật hẹp.
Một ngày nọ, cậu nhóc bất ngờ trúng giải là một chuyến đi thăm nhà máy kẹo sô-cô-la nổi tiếng nhất thế giới của ông chủ kỳ quặc Willy Wonka (Johnny Depp). Charlie cùng bốn đứa trẻ may mắn trúng giải khác bước vào nhà máy kẹo trong mơ mà không lường trước được những bất ngờ đang chờ mình ở trong đó. Với kinh phí 150 triệu USD, Charlie and the Chocolate Factory mang lại doanh thu lên đến 475 triệu USD toàn cầu.
7. Corpse Bride (2005)
Đây là bộ phim mang đậm dấu ấn của Tim Burton, với phong cách Gothic không thể nhầm lẫn. Tham gia lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình này cũng là hai người thân của ông - tài tử Johnny Depp và người vợ khi đó là Helena Bonham Carter. Nội dung bộ phim kể về một tình huống oái oăm, khi chú rể Victor (Depp) vô tình đánh thức một xác chết nữ giới.
Khi trở lại dương gian, cô nàng Emily (Carter) một mực tin rằng mình đã cưới Victor và "cô dâu xác chết" này đã gây ra nhiều oái oăm cho chàng rể nhút nhát này. Corpse Bride là một thắng lợi của Tim Burton, khi doanh thu 117 triệu USD của bộ phim gấp tới ba lần chi phí mà hãng Warner Bros đã bỏ ra. Tại Oscar 2006, bộ phim cũng góp mặt trong danh sách đề cử hạng mục "Phim hoạt hình xuất sắc".
8. Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street (2007)
Khả năng nhập vai vào những nhân vật kỳ dị của Johnny Depp được Burton khai thác triệt để trong Sweeney Todd. Anh được trao vai gã thợ cạo hung thần Sweeney Todd. Gã căm hận quan tòa Turpin (Alan Rickman) vì đã hủy hoại cuộc đời gã và quyết tâm trả thù. Todd mở tiệm cắt tóc và giết những khách hàng trong lúc chờ một ngày nào đó Turpin sẽ tới tiệm của mình. Chính quyết định trả thù đó của Todd đã mở ra nhiều bi kịch sau này.
Dựa trên vở nhạc kịch cùng tên vào năm 1979, tác phẩm màn ảnh rộng đòi hỏi những ngôi sao như Johnny Depp hay Helena Bonham Carter phải tập hát. Những nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng khi phim được vinh danh tại giải Quả Cầu Vàng 2008 ở hạng mục "Phim hài/nhạc kịch xuất sắc". Tài tử Johnny Depp còn nhận được đề cử Oscar "Nam diễn viên chính xuất sắc" nhờ vai diễn gã thợ cạo quái đản này.
9. Alice in Wonderland (2010)
Tim Burton tiếp tục thể hiện cái duyên của mình với bom tấn khi thực hiện bộ phim Alice in Wonderland. Tác phẩm này đặt bối cảnh nhiều năm sau bộ phim hoạt hình gốc của Disney, khi nàng Alice (Mia Wasikowska) đã trưởng thành. Lúc này, cô một lần nữa trở lại vùng đất thần tiên và là nhân tố quan trọng giúp Nữ hoàng Trắng (Anne Hathaway) chống lại Nữ hoàng Đỏ (Helena Bonham Carter) hung hãn.
Ngoài những ngôi sao nữ kể trên, Alice in Wonderland quy tụ gương mặt quen thuộc Johnny Depp trong vai Mad Hatter. Bộ phim được trình chiếu dưới định dạng 3D vào công nghệ này vẫn đang nóng nhờ hiệu ứng Avatar. Do vậy, Alice in Wonderland bất ngờ thu về tới hơn 1 tỷ USD và mở đường cho những bộ phim phiêu lưu cổ tích khác sau này như Oz The Great & Powerful hay Maleficent. Phần hai Alice Through the Looking Glass ra rạp vào giữa năm nay. Không còn Tim Burton ở ghế đạo diễn, Alice Through the Looking Glass bị đánh giá là sản phẩm thua kém phần đầu về mọi mặt.
10. Frankenweenie (2012)
Tim Burton tiếp tục cho thấy đam mê với thể loại hoạt hình stop-motion bằng dự án Frankenweenie. Đây là câu chuyện được lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Frankenstein. Trong phim, cậu bé Victor đã hồi sinh chú chó quá cố Sparky bằng dòng điện. Phép lạ kể trên đã khiến nhiều kẻ nhòm ngó bí mật của Victor và khiến thị trấn New Holland trải qua một phen sóng gió.
Với nội dung đề cao tình bạn giữa người và thú cưng, Frankenweenie được khán giả đón nhận dù hình ảnh phim không thân thiện với nhiều trẻ em. Tại mùa giải thưởng điện ảnh 2013, phim có mặt trong danh sách đề cử "Phim hoạt hình xuất sắc" tại các giải Oscar, Quả Cầu Vàng và BAFTA.
Emily
" alt=""/>10 bộ phim làm nên tên tuổi của đạo diễn phim ma quái lừng danh